Vấn đề người di cư: Serbia phản đối ý tưởng ngừng thực thi Hiệp ước Schengen

15:02' - 07/02/2016
BNEWS Serbia lo ngại trước các diễn biến ngày càng xấu đi liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư một khi ý tưởng dựng lên các trạm kiểm soát và ngừng Hiệp ước Schengen được thực hiện.
Serbia phản đối ý tưởng ngừng thực thi Hiệp ước Schengen. Ảnh minh họa: Reuters
Ngày 6/2, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic cho biết chính phủ nước này hết sức lo ngại trước các diễn biến ngày càng xấu đi liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư đối với Serbia và các nước Balkan khác một khi ý tưởng dựng lên các trạm kiểm soát và ngừng thực thi Hiệp ước Schengen (tự do đi lại giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu - EU) được thực hiện. 

Tại cuộc gặp không chính thức diễn ra cùng ngày giữa các ngoại trưởng EU và các ứng viên gia nhập khối này (Serbia, Albania, Thổ Nhĩ Kì, Macedonia và Montenegro) ở Amsterdam, Ngoại trưởng Dacic cho rằng việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào lãnh thổ các nước EU sẽ gây nhiều vấn đề nghiêm trọng cho Serbia do dòng người di cư sẽ không thể rời lãnh thổ Serbia. 

Theo ông, Serbia không thể tiếp nhận trở lại những người di cư không được các nước EU chấp nhận. Serbia không có đủ các phương tiện, nhân lực và tài chính để đối phó với vấn đề người di cư. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Serbia cho biết Belgrade có thể tiếp nhận tới 6.000 người di cư nếu được nhận hỗ trợ tài chính của EU. 

Hơn 200.000 người đã qua lãnh thổ Serbia để đi bằng đường bộ tới Bắc Âu trong những tháng cuối năm 2015 và gây ra những lo ngại về an ninh đối với nước này. 

Liên quan đến vấn đề di cư, ngày 6/2, Ủy viên cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini (Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni) nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ và các nước nằm ở khu vực Balkan nên hợp tác chặt chẽ với EU hướng tới một giải pháp chung nhằm kiểm soát dòng người di cư lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai đang tiếp tục đổ về "Lục địa Già". 

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp không chính thức Hội đồng đối ngoại EU diễn ra trong hai ngày, bà Federica Mogherini nói: "Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận quan trọng về vấn đề mà các bên nhận thức rõ ràng rằng có trách nhiệm chung, để tìm ra một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục