Văn hóa doanh nghiệp: Nhìn từ chữ "Tín"

17:10' - 09/11/2017
BNEWS Câu chuyện Khải Silk và những chiếc mác "Made in China" làm nóng dư luận xã hội đã phản ánh thực trạng, nhận thức của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Câu chuyện Khải Silk và những chiếc mác "Made in China" làm nóng dư luận xã hội. Ảnh Minh họa: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Lâu nay, nói đến văn hóa doanh nghiệp, người ta sẽ nghĩ đến văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa lãnh đạo và các nhân viên, giữa doanh nghiệp với đối tác hay các hoạt động văn hóa, từ thiện, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động…
Tuy nhiên, phần hồn cốt và đóng góp quan trọng vào sự tồn tại, phát triển của mỗi doanh nghiệp; tạo cho doanh nghiệp những đặc trưng riêng biệt, không thể trộn lẫn với các doanh nghiệp khác lại chính là yếu tố liên quan tới văn hóa kinh doanh. Triết lý và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; ý thức thượng tôn pháp luật và giữ gìn uy tín, đạo đức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh trước đối thủ và trên thị trường.
Mới đây nhất, câu chuyện Khải Silk và những chiếc mác "Made in China" làm nóng dư luận xã hội và giới truyền thông lại tiếp tục phản ánh một thực trạng, nhận thức của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy văn hóa doanh nghiệp, thứ tài sản vô hình nhưng là nền tảng vững chắc, đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Từ phát hiện này, Khaisilk đang phải đứng trước những câu hỏi lớn và bị truy cứu trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Song, điều mất mát lớn nhất có lẽ là niềm tin của thị trường, niềm tin của khách hàng và người tiêu dùng, vốn luôn vì tinh thần "người Việt Nam yêu và tin dùng hàng Việt Nam".
Từ thực tiễn, đại diện một trong những doanh nghiệp lớn, chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là cần thiết và vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.
Văn hóa ấy không chỉ thể hiện ở việc tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, mà còn cần tạo nên phong cách ứng xử với đối tác, với khách hàng. Đặc biệt, là luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu và thống nhất trong cách thể hiện từ nội bộ doanh nghiệp đến ra bên ngoài thị trường, đều phải cam kết và nghiêm túc thực thi cam kết đưa ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Doanh nghiệp làm trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến thực phẩm phải đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc, sản phẩm rõ ràng, giúp cho uy tín của doanh nghiệp phát triển hơn. Lợi nhuận thì ai cũng quan tâm, nhưng tôi không đặt nó lên hàng đầu. Doanh nghiệp phát triển được, chất lượng hàng hóa tốt, đảm bảo thì doanh số tăng lên, lợi nhuận cũng sẽ tăng lên”, bà Hằng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp Ngô Thanh Hải thuộc ActionCOACH cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là chất kết dính mọi người trong tập thể cùng hướng tới một tầm nhìn chung. Nó cũng là luật chơi, là sự cam kết của người này với người kia trong cộng đồng để cùng thực hiện một sứ mệnh.
"Sẽ không thể có một doanh nghiệp nào đi lên hoặc phát triển mà thiếu sự đầu tư xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bởi nếu không, mỗi người sẽ làm theo ý mình, phục vụ tôn chỉ và mục đích do mình đặt ra, không vì lợi ích chung của tập thể. Đó là điều nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh cạnh tranh thị trường như hiện nay", chuyên gia Ngô Thanh Hải nói.
Lâu nay, chữ "Tín" luôn được so sánh quý hơn vàng. "Giữ chữ Tín hơn giữ vàng" là tôn chỉ mà mọi doanh nghiệp, ở mọi quy mô, hình thức hoạt động, lĩnh vực kinh doanh sản xuất và ở bất kỳ nơi nào, quốc gia nào... cũng đều coi trọng. Đó gần như là chứng chỉ cam kết, là thảm trải để doanh nghiệp tự tin, cạnh tranh sòng phẳng trên thương trường.

Đã có không ít trường hợp, doanh nghiệp "tham bát bỏ mâm"; sản xuất kinh doanh theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó". Hậu quả của sự "tham thì thâm" ấy, cũng dẫn tới đoạn kết là bị diệt vong hoặc tự đào thải, mà thôi, ông Hải tâm sự.
Từ những trải nghiệm của chính mình, ông Hải chia sẻ: "Từng là người sáng lập Công ty cổ phần Thương mại, Kiến trúc và Xây dựng Phú Mỹ – một doanh nghiệp đã hoạt động được hơn 7 năm, tôi luôn chìm đắm trong bộn bề suy tư giữa những mớ lý thuyết hỗn độn và những kinh nghiệm quản lý ít ỏi.

Tôi loay hoay điều hành, thậm chí làm thuê cho chính mình. Tôi luôn đi tìm phương cách xây dựng và làm sao cho công ty phát triển. Công ty chúng tôi dường như luôn bất ổn với vấn đề nhân sự, thị trường, quản lý sổ sách, hạch toán… và dường như chúng tôi đang trên đà như bao công ty khác đã từng xuất hiện rồi dần biến mất như chưa hề sinh ra".
Sau khi được tiếp cận và tìm hiểu về những cách thức để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, doanh nghiệp đã dần đi vào ổn định.
"Từ bài học xương máu của chính mình, tôi nhận ra rằng, muốn phát triển được doanh nghiệp, không thể thiếu việc hoạch định đích đến; không thể thiếu việc xây dựng tầm nhìn chiến lược cùng những giá trị cốt lõi hay xác định lộ trình phải đi, thời gian để hoàn thành nó, thay đổi cơ cấu tài chính và phương thức kinh doanh, cách thức tiếp cận thị trường....

Phải biết xây dựng ước mơ cho cả tập thể mà mình là người cầm lái. Quan trọng hơn cả, phải giữ cho được sự tôn nghiêm, lòng tự trọng của doanh nghiệp; phải gây dựng được tinh thần thượng tôn pháp luật và gìn giữ sự tín nhiệm của bạn hàng, của đối tác và của thị trường...", ông Hải kết luận.
Trung thực luôn là yếu tố hàng đầu trong các triết lý kinh doanh, bởi sự trung thực mỗi cá nhân trong tập thể sẽ quyết định và tạo dựng, tích lũy niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm và doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, không thể xem nhẹ, thậm chí có tâm ý "gian dối khách hàng".
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Khoa Luật, Trường đại học Ngoại Thương, thành viên Trung tâm trọng tài quốc tế cho rằng, trong môi trường kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, chữ tín lại càng quan trọng và được coi trọng hơn rất nhiều so với trước kia. Doanh nghiệp ngày càng có nhiều cơ hội, song cùng với đó là không ít thách thức đặt ra.
"Phát triển kinh doanh trên thị trường quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải liên kết mới có thể đứng vững. Và một trong những điều cơ bản để có thể liên kết đó chính là doanh nghiệp phải có uy tín, có niềm tin của đối tác trong nước cũng như quốc tế; từ đó, mới có thể tạo được liên kết, tạo nên sức mạnh để cạnh tranh", Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng đề cập.
Thực tế cũng chỉ ra rằng nếu chữ "Tín" là một phần cốt yếu của văn hóa kinh doanh thì doanh nghiệp không thể xem nhẹ nếu muốn phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục