“Văn hóa Hawker” có khả năng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO

20:14' - 17/11/2020
BNEWS "Văn hóa ẩm thực và những khu ẩm thực rong Hawker” ở Singapore có cơ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể chính thức của UNESCO khi ủy ban xét duyệt đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 12 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, "Văn hóa ẩm thực và những khu ẩm thực rong Hawker” ở Singapore đang có cơ hội được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể chính thức của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), khi ủy ban xét duyệt sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 12 tới.

Ủy ban này hiện đã khuyến nghị đưa các trung tâm Hawker – những khu vực tập trung các cửa hàng ăn uống đặc trưng của Singapore - vào danh sách chính thức các di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Mặc dù quyết định cuối cùng không phải lúc nào cũng giống như khuyến nghị của ủy ban đánh giá, song thông thường những nội dung được cơ quan đánh giá đưa ra sẽ được chấp thuận.

Bà Chang Hwee Nee, Giám đốc điều hành của Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore, kỳ vọng rằng với sự khuyến nghị của ủy ban đánh giá chuyên môn, Singapore sẽ có được tin vui tại cuộc họp ủy ban liên chính phủ vào tháng 12 tới.

Trong những năm qua, "Văn hóa Hawker" ở Singapore đã phát triển đáng kể, từ những cửa hàng, hàng rong trên phố đến ngày càng nhiều trung tâm, khu vực tập trung các cửa hàng ăn uống lớn được xây dựng.

Hiện Singapore có khoảng 6.000 hàng, quán bán đồ ăn, nước uống tại 110 các trung tâm và khu vực ăn uống.

Singapore đã đệ trình hồ sơ công nhận các khu ẩm thực rong Hawker là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vào tháng 3/2019.

Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hay còn gọi là “di sản sống” ra đời từ năm 2003, bao gồm các phong tục, tập quán, thực hành đa dạng như nghệ thuật biểu diễn, các sự kiện lễ hội, nghi lễ và truyền thống truyền khẩu. 

Hiện có 42 hồ sơ đăng ký di sản trong năm nay, bao gồm hồ sơ về sản xuất đồng hồ cơ khí của Thụy Sĩ và Pháp, hồ sơ về điệu múa Budima của Zambia và văn hóa nuôi ong trên cây của Ba Lan và Belarus./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục