"Vận hội mới" của thị trường lao động Mỹ trong năm 2022

13:22' - 01/03/2022
BNEWS Đà tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ tiếp tục mạnh mẽ vào năm 2022, với dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế ở mức 3,5%.

Gad Levanon, người đứng đầu Viện Thị trường Lao động của tổ chức nghiên cứu The Conference Board (Mỹ), mới đây đã đưa ra bình luận về ba xu hướng quan trọng có khả năng chi phối thị trường lao động Mỹ vào năm 2022, đó là: Nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi sau đại dịch, tình trạng thiếu lao động trầm trọng và sự mở rộng của mô hình làm việc từ xa.

 

Nhưng có một nhân tố khác có thể thay đổi mọi dự tính, là làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, do biến thể Omicron hoặc một biến thể mới khác.

Theo ông Levanon, chỉ cần ngăn chặn được một đợt bùng phát mạnh mới của dịch COVID-19 thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng khả quan của thị trường việc làm trong năm 2022.

*Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ

Đà tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ tiếp tục mạnh mẽ vào năm 2022, với dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế ở mức 3,5%. Phần lớn sự tăng trưởng sẽ đến từ các lĩnh vực đang mở cửa trở lại, chẳng hạn như nhà hàng, khách sạn, giải trí, dịch vụ cá nhân và vận tải hành khách.

Những ngành này tương đối thâm dụng lao động, vì vậy sự phục hồi mạnh hơn nữa của các lĩnh vực này sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng việc làm.

Tuy nhiên, đây cũng là những ngành dễ bị tổn thương nhất trước sự trỗi dậy tiềm tàng của đại dịch. Nếu biến thể mới Omicron có tính kháng vaccine cao hơn so với biến thể Delta, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại, như một số chuyên gia đã dự đoán. Một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới cũng sẽ tác động đến hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng.

Những người Mỹ lớn tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi dịch COVID-19, có nhiều khả năng cắt giảm chi tiêu cho các ngành dịch vụ trực tiếp. Vì vậy, một đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 có nghĩa là các ngành này sẽ tiếp tục tụt hậu so với nền kinh tế nói chung về nhu cầu khách hàng và nhu cầu thuê thêm nhân công.

Mặc dù tổng số việc làm tại Mỹ có thể đạt đến mức trước đại dịch vào cuối năm 2022, ngoại trừ diễn ra một đợt bùng phát mạnh của dịch COVID-19 với biến thể mới, song sự phục hồi này sẽ vẫn không diễn ra đồng đều giữa các lĩnh vực.

Ngay cả khi không có mối đe dọa từ đại dịch, các ngành như bán lẻ, vận tải hành khách, ngân hàng thương mại, các ngành dịch vụ tiếp xúc trực tiếp khách hàng, dịch vụ cá nhân, điều dưỡng và chăm sóc nội trú, khó có thể đạt được con số việc làm như trước đại dịch trong năm 2022.

Những ngành này bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch lâu dài sang hoạt động trực tuyến và làm việc từ xa. Hoạt động du lịch toàn cầu đình trệ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động trong các ngành hàng không, lưu trú, giải trí và nhà hàng, và dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, do mức độ lan rộng của đại dịch trên toàn thế giới.

*Tình trạng thiếu lao động dai dẳng

Tính đến tháng 11/2021, không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng thiếu lao động đang diễn có thể “hạ nhiệt”. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang giảm nhanh chóng và có thể giảm xuống dưới 3,5% vào cuối năm 2022, đây sẽ là một trong những tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử của nước này.

Biến thể Omicron có thể dẫn tới “thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh” lần thứ hai cho tới làn sóng nghỉ hưu sớm, làm giảm hơn nữa nguồn cung lao động. Tất cả những yếu tố này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động trầm trọng và khó tuyển dụng vào năm 2022.

Tuy nhiên, có một tin vui đối với người lao động đó là tăng trưởng tiền lương nhìn chung có khả năng sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm nay, đặc biệt là đối với những người mới được tuyển dụng và những người lao động tay chân.

Đồng thời, lạm phát không có dấu hiệu chậm lại, điều này sẽ càng thúc đẩy nhu cầu tăng lương từ những người lao động nhằm trang trải chi phí sinh hoạt. Lạm phát và mức lương phải trả cao hơn để thu hút nhân viên mới có thể sẽ khiến các nhà tuyển dụng tăng lương cho các nhân viên hiện tại với nhịp độ nhanh hơn nhiều so với thập kỷ trước.

Vòng xoáy giá cả và tiền lương có thể dẫn đến việc cả hai chỉ số này đều tăng nhanh hơn, và ở mức chưa từng có ở Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Điều đó có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhiều hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường vào năm 2022 và làm chậm lại đà tăng trưởng GDP xuống dưới mức kỳ vọng hiện tại của các nhà kinh tế.

Các doanh nghiệp cũng đang phản ứng với những khó khăn về tuyển dụng bằng cách hạ thấp yêu cầu về trình độ học vấn. Do vậy, những người mới được tuyển dụng gần đây có trình độ học vấn thấp hơn so với những người được tuyển trước đó.

*Ảnh hưởng của mô hình làm việc từ xa

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã góp phần khiến ngày càng nhiều người nhận ra rằng virus SARS-CoV-2 sẽ duy trì sự hiện diện đáng kể trong cuộc sống của chúng ta lâu hơn dự kiến.

Biến thể mới có thể trì hoãn việc quay trở lại văn phòng làm việc của nhiều người lao động và thúc đẩy một số công ty cho phép làm việc từ xa lâu hơn hơn so với kế hoạch trước đây. Thậm chí, trong một số trường hợp là vĩnh viễn.

Điều đó có thể dẫn đến sự điều chỉnh thị trường lao động theo khía cạnh địa lý lớn hơn dự kiến: Nhiều người Mỹ sẽ di dời nơi sống trong năm 2022, do việc chuyển đổi sang mô hình làm việc từ xa, rời bỏ thị trường nhà ở đắt đỏ ở các thành phố lớn để có cuộc sống rẻ hơn ở những nơi khác.

Hoạt động kinh tế tại các trung tâm thành phố lớn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do ngày càng ít người đi làm và chi tiền tại các quán cà phê, nhà hàng và cửa hàng gần văn phòng của họ. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng đình trệ hoặc thậm chí giảm việc tuyển dụng ở một số trung tâm thành phố trong khi hoạt động thuê lao động ở các khu dân cư khác sẽ tăng lên.

Việc các doanh nghiệp ngày càng sẵn sàng chấp nhận hình thức làm việc từ xa cũng sẽ khiến họ phải điều chỉnh “địa bàn” hoạt động. Một số, đặc biệt là những công ty đặt tại những vị trí đắt tiền, có thể chuyển sang hoặc mở rộng hoạt động ở những khu vực có mức thuê mặt bằng rẻ hơn.

Trên thực tế, chúng ta đã thấy xu hướng này đang diễn ra: Các công ty công nghệ ở khu vực Bờ Tây nước Mỹ đang chuyển dịch đáng kể việc tuyển dụng sang các khu vực khác, làm tăng sự cạnh tranh trong việc tìm kiếm nhân tài tại các khu vực đó.

Theo ông Levanon, những kịch bản này đều giả định rằng tác động của biến thể Omicron sẽ ở mức vừa phải. Nếu biến thể này diễn biến phức tạp hơn dự đoán, những tác động này sẽ mạnh mẽ và tàn khốc hơn nhưng ông hy vọng viễn cảnh khắc nghiệt hơn này sẽ không trở thành hiện thực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục