Vẫn thiếu chính sách tài chính tín dụng nông nghiệp nông thôn

15:28' - 29/09/2016
BNEWS Việc tiếp cận tín dụng chính thức không hề dễ dàng bởi các điều kiện phía ngân hàng đặt ra khiến người dân phải tìm đến tín dụng đen với khoản vay nặng lãi để đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Việc cho vay tín dụng nông nghiệp dành cho các khu vực nông thôn, vùng saâuu,ùng xa còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam số 7: Chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn – thực trạng và giải pháp, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức ngày 29/9, tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam còn nhiều bất cập, các ngân hàng thương mại chưa thâm nhập được hết khu vực nông thôn rộng lớn, việc cung cấp tín dụng đến các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi bị hạn chế.

Trong khi đó, hệ thống tín dụng phi chính thức (tín dụng ủy thác) chưa phát triển. Dẫn đến thực tế ở nông thôn hiện chủ yếu tồn tại hai hệ thống tín dụng chính thức và tín dụng giản đơn; trong đó không ít loại hình tín dụng đen. 

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng nguồn vốn cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn vẫn còn vấn đề lớn. Các mặt hàng vay theo truyền thống đòi hỏi vay phải có thế chấp, trong khi đối với các sản phẩm, công trình của nông dân tài sản thế chấp không cao.

Vì vậy rất nhiều nông dân không nhận được khoản vay truyền thống. Hệ thống hợp tác xã cũng không có điều kiện để vay. Để lựa chọn, nông dân có thể tiếp cận các tuyến khác là như quỹ tín dụng nhỏ...

Với những nguồn tín dụng này, nông dân không phải chịu lãi suất cao nhưng vô hình chung làm cho động lực cho vay của các đối tượng có vốn không có động lực cao để làm việc đó. Kết quả là nông dân không tiếp cận được nguồn vốn. Họ vay ở thị trường tín dụng đen vì thời gian khoản vay đều dễ dàng và linh hoạt.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn chế tín dụng nông nghiệp nông thôn thời gian qua là chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn. Cho vay theo tổ, nhóm và hợp tác xã còn hạn chế.

Năm 2015, cả nước chỉ có 0,67% hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng và cũng chỉ có 2,25% hợp tác xã nông nghiệp được tiếp cận với quỹ hỗ trợ hợp tác xã. Hình thức cho vay theo chuỗi đang là thí điểm tốt, tuy việc cho vay mới chỉ thực hiện trên chuỗi lớn, chuỗi có xuất khẩu và chỉ tập trung vào doanh nghiệp.

Theo ông Lê Đức Thịnh, quy định mức trần lãi suất tín dụng cho vay đối với khu vực phi chính thức làm hạn chế sự phát triển của khu vực này. Cần sửa đổi Thông tư 15/VBHN-NHNN để điều chỉnh linh hoạt mức lãi suất tín dụng phi chính thức, đảm bảo luôn cao hơn 2-3 lần mức lãi suất thương mại trung bình.

Các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu cung cấp các khoản vay kịp thời, linh hoạt phù hợp với nhu cầu, chu kỳ sản xuất nông nghiệp. cùng với đó, xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn như: tài sản trên đất, tài sản hình thành từ vốn vay… Hệ thống tín dụng cần tích hợp chính sách tín dụng với các chính sách khác như bảo hiểm.

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, quan niệm tài chính vi mô vẫn thiên về quy mô của khoản vay. Cần thấy bản chất của nó hoàn toàn khác với khoản vay thương mại thông qua hệ thống tài chính truyền thống.

Tài chính vi mô cần có quan điểm khác về cơ chế, cấu trúc, văn hóa mà chúng ta tạo ra. Hiện cũng chưa có văn bản pháp quy nào rõ ràng, điều này thể hiện chúng ta cũng chưa có định hình rõ hình thái cho lĩnh vực này.

Thực tế đang thiếu vắng những thể chế được khẳng định, thiết lập rõ ràng về tài chính vi mô. Tài chính vi mô thường đến từ các dự án của nước ngoài và khi hết dự án chúng ta thường bối rối trong việc giữ mô hình đó như thế nào. Trong tương lai cần gây dựng hệ thống thống tài chính vi mô để tạo sự ổn định, bền vững ở nông nghiệp nông thôn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục