Vàng thế giới ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3

11:42' - 15/08/2020
BNEWS Những số liệu kinh tế yếu kém cả trên thế giới và tại Mỹ, bao gồm cả doanh số bán lẻ đáng thất vọng của nước này, cũng không giúp vàng trở nên “lấp lánh” hơn trong phiên 14/8.
Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 14/8, kết thúc tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng Ba tới nay khi tình trạng bế tắc xung quanh gói kích thích kinh tế mới của Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.943,18 USD/ounce vào lúc 1 giờ 2 phút (sáng 15/8 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 1% xuống 1.949,80 USD/ounce.

Những số liệu kinh tế yếu kém cả trên thế giới và tại Mỹ, bao gồm cả doanh số bán lẻ đáng thất vọng của nước này, cũng không giúp vàng trở nên “lấp lánh” hơn trong phiên 14/8.

Ông David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures cho biết thị trường vàng phiên này bị ảnh hưởng bởi việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng lên quanh mức cao nhất của 7 tuần, cùng với tình trạng bế tắc trong đàm phán về gói kích thích kinh tế mới tại Washington.

Chuyên gia Meger cũng nhận định thị trường vàng trước đó đã đi hơi quá xa, quá nhanh và hiện đang là thời điểm giá vàng tạm dừng đà tăng để củng cố lại.

Nhìn chung, giá vàng đã có 3 phiên giảm giá và 2 phiên tăng trong tuần này.

Mở đầu tuần mới trong phiên 10/8, giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,2% còn đồng USD “neo” ở ngưỡng cao nhất trong một tuần qua. Thời điểm đó, giới đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào một gói kích thích mới của Mỹ nhằm giúp nước này “chống chọi” với đại dịch COVID-19. Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 15/8 tới cũng được hy vọng sẽ “xoa dịu” căng thẳng đang leo thang trong quan hệ hai bên.

Nhưng sang phiên 11/8, giá vàng thế giới đã trải qua một phiên giao dịch tệ nhất trong hơn bảy năm qua vì nhà đầu tư quay lại tâm lý ưa rủi ro sau khi đón nhận các số liệu kinh tế đáng khích lệ. Những kỳ vọng về gói kích thích mới cũng đẩy chỉ số chứng khoán S&P lên các mức cao kỷ lục mới, qua đó tạo thêm áp lực cho vàng. Giá vàng giao ngay đã giảm hơn 5% và rời xuống dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce trong phiên này.

Giá vàng phiên 12/8 đảo chiều hồi phục phần nào mức suy giảm trước đó khi những lo ngại về thiệt hại kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra lại lên cao, với việc nền kinh tế Anh ghi nhận mức giảm kỷ lục 20,4% trong quý II/2020. Việc đồng USD giảm 0,3% so với phiên trước cũng đã làm tăng sức hút của vàng và giúp giá kim loại quý này tăng 1,4%.

Đà tăng được kéo dài sang phiên 13/8 với việc giá vàng tiến thêm gần 2%, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và sự phục hồi chậm của thị trường lao động Mỹ càng cho thấy những tổn thương kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống dưới 1 triệu đơn trong tuần trước và là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch bùng phát. Tuy vậy, hiện vẫn có 28 triệu người Mỹ đang nhận trợ cấp thất nghiệp, cho thấy thị trường lao động nước này vẫn khá yếu.

Với mức giảm điểm trong phiên 14/8, giá vàng đã dứt chuỗi chín tuần tăng giá liên tiếp và giảm 4,5% tính chung trong cả tuần này.

Ông Jeffrey Sica, người sáng lập công ty tư vấn đầu tư Circle Squared Alternative cho biết giá vàng vẫn có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại một lần nữa nếu Chính phủ Mỹ đạt được đồng thuận về một gói kích thích đáng kể. Ngoài ra, những diễn biến trái chiều xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ khiến nhà đầu tư phải tìm tới các kênh “trú ẩn an toàn” như vàng.

Còn theo ông Chris Gaffney, một quản lý cấp cao tại tập đoàn dịch vụ tài chính TIAA Bank, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai tại châu Âu và châu Á, cũng như chính sách lãi suất vì vàng sẽ được hưởng lợi nếu lãi suất ở mức thấp. Ngoài ra, giới đầu tư cũng sẽ theo sát các cuộc thảo luận về gói kích thích kinh tế tại Mỹ cùng mức nợ nó có thể mang đến cho nền kinh tế này./.

>>Giá vàng trong nước quay đầu giảm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục