Về khả năng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt vào năm 2021

05:00' - 21/06/2020
BNEWS Chính sách đối phó với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không đem lại hiệu quả, trong khi mâu thuẫn về cấu trúc giữa Bắc Kinh và Washington vẫn chưa đạt tới điểm bùng nổ thật sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo bài viết được đăng trên trang mạng Diplomat gần đây, việc Chính quyền Tổng thống Trump phát động một loạt các biện pháp trừng phạt và chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc đã khiến nhiều nhà bình luận bi quan về xu hướng tương lai của mối quan hệ giữa hai nước. Dường như một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực trong những điều kiện như vậy.

Những lo ngại của các nhà bình luận không phải là không có lý, song họ cũng quên mất các mô hình phát triển trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này, đặc biệt là động lực cân bằng được xem xét trong bối cảnh của những thay đổi lịch sử lớn. Do đó, họ có thể có đánh giá sai về tác động cũng như khả năng hợp tác Mỹ và Trung Quốc.

Những đòn đánh không phát huy tác dụng

Theo đánh giá của một số chuyên gia quan sát, mối quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện trong năm tới ít nhất vì ba lý do. Kể từ năm 2018, chính sách ngăn chặn của Chính quyền Mỹ do Tổng thống Donald Trump đưa ra được đánh dấu bằng chiến lược ba mũi nhọn của cuộc chiến thương mại, phong tỏa công nghệ và tấn công ý thức hệ, đã không đạt được kết quả đáng kể. 

Đặc biệt, cuộc chiến thương mại đã chưa tạo ra tác động đáng chú ý nào đối với kinh tế Trung Quốc. Các vấn đề kinh tế của nước này chủ yếu là do mâu thuẫn giữa cung và cầu trong nước, bong bóng tài chính và chu kỳ kinh tế gập ghềnh.

Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 6,6% trong năm 2018 và 6,1% vào năm 2019, cao hơn so với mức mục tiêu cơ bản là duy trì tăng trưởng kinh tế 6%. Đánh giá về đầu tư, tiêu dùng và giá cả, các đối sách của Mỹ về thương mại, khoa học và công nghệ cũng không gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc.

Những khó khăn kinh tế gần đây của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chủ yếu là do hậu quả của đại dịch COVID-19, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu của thị trường toàn cầu. Điều này cho thấy cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động đã có tác động hạn chế đến nền kinh tế Trung Quốc.

Hiện tại, không có sự chênh lệch lớn về sức mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là sức mạnh kinh tế. Do đó, việc Washington phát động chiến tranh với Trung Quốc hoặc bắt đầu một cuộc đối đầu quân sự toàn diện với quốc gia Đông Bắc Á là không thực tế. 

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump chỉ có thể cố gắng kìm hãm sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc thông qua các lệnh trừng phạt và đàn áp thương mại đối với doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học hàng đầu của Trung Quốc cũng như các cuộc tấn công chính trị liên quan đến các vấn đề Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). 

Tuy nhiên, tại thời điểm khi mà khoảng cách quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng thu hẹp, không một cuộc chiến nào, từ thương mại, khoa học và công nghệ tới ý thức hệ, đem lại kết quả thực sự.

Ngay cả trước đại dịch xảy đến, sự gây sức ép của Mỹ cũng không khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Do đó, chính sách đàn áp hiện tại đối với Trung Quốc của Chính quyền Tổng thống Trump không thể kìm hãm thực sự hoặc phát huy hiệu quả trong việc phát triển hơn nữa sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 cũng đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Từng là thị trưởng tăng trưởng dài hạn, chứng khoán Mỹ đã chứng kiến sự "ngắt mạch" trong nhiều ngày liên tiếp vào tháng Ba vừa qua, với các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm xuống mức thấp lịch sử. 

Mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện trên thị trường chứng khoán, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục sẽ vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài và đây có thể là một "đòn chí mạng" đối với hoạt động điều hành kinh tế của Tổng thống Trump trong ba năm cầm quyền.

Những ưu tiên trong nước lớn hơn

Hơn hết, hơn 100.000 người Mỹ đã tử vong vì đại dịch COVID-19. Khi chịu tác động kinh tế lớn trong nước do đại dịch, Mỹ khó có thể đưa ra các chính sách gây sức ép quy mô lớn đối với Trung Quốc trong ngắn hạn.

Ngoài ra, sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận giai đoạn một về giải quyết tranh chấp thương mại vào tháng 12/2019, Tổng thống Trump cũng sẽ khó vi phạm thỏa thuận một lần nữa trong một thời gian ngắn như vậy và khởi động vòng thứ hai của cuộc chiến thương mại. 

Bất kỳ hành động nào như vậy sẽ khiến nông dân Mỹ, các công ty đa quốc gia, những người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, lại rơi vào môi trường chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nguy hiểm một lần nữa.

Nói chung, khoảng cách giữa sức mạnh của Trung Quốc và Mỹ không lớn, nhưng chưa đạt đến điểm tới hạn của sức mạnh tương đương giữa hai bên.

Về quy mô kinh tế, sức mạnh công nghệ, tình hình tài chính và sức mạnh quân sự, Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ trong ngắn hạn. Và bởi vì Trung Quốc có một thị trường nội địa rộng lớn và được kiểm soát chặt chẽ, sự đàn áp kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc không thể thực sự làm tổn thương đến huyết mạch của nền kinh tế Trung Quốc.

Điều đó chỉ có thể có tác động lớn đến các ngành xuất nhập khẩu của Trung Quốc và một số ngành công nghiệp liên quan chặt chẽ đến nền kinh tế Mỹ. Do đó, người ta tin rằng sau thất bại của chính sách đàn áp trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc của mình ngay cả khi ông tái đắc cử và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2021.

Trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là phát triển mạng viễn thông 5G, Mỹ sẽ tăng cường đàn áp các doanh nghiệp công nghệ cao và các viện nghiên cứu giáo dục của Trung Quốc, và sự cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ tăng lên. 

Nhìn chung, Tổng thống Trump sẽ tìm cách điều chỉnh cấu trúc chính sách Trung Quốc để tập trung vào việc phục hồi sau đại dịch trước. Kết quả là, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian ngắn sẽ có vẻ bớt căng thẳng.

Do đó, ngay cả khi việc tái đắc cử của Tổng thống Trump chiếm xác suất nhỏ, sẽ có sự cải thiện nhất định trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục