“Vẽ lại” bản đồ COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập bản đồ COVID-19, phân loại các vùng dịch để phòng, chống hiệu quả hơn; đồng thời thực hiện phương châm “mỗi phường xã là một pháo đài, người dân là chiến sĩ trong pháo đài đó”.
Đây cũng là điều kiện tiên quyết để Thành phố đưa ra các quyết sách, chiến lược phục hồi kinh tế trên nguyên tắc thận trọng, an toàn, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Phân vùng COVID-19
Hiện nay, ngoài 4 vùng dịch theo quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 gồm “vùng xanh” (an toàn), “vùng vàng” (nguy cơ), “vùng cam” (nguy cơ cao) và “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao), căn cứ theo tình hình thực tiễn, Thành phố Hồ Chí Minh xác lập thêm “vùng cận xanh” để có những chiến lược khoanh vùng, dập dịch, hạn chế “vùng đỏ”, duy trì và phát triển “vùng xanh”.
Theo dữ liệu Bản đồ COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, Thành phố có 13.220 tổ dân phố thuộc “vùng xanh” (chiếm 54%), 3.829 tổ dân phố thuộc “vùng đỏ” (16%), 3.155 tổ dân phố thuộc “vùng cận xanh” (13%), 2.713 tổ dân phố thuộc “vùng vàng” (11%), còn lại là “vùng cam”.
Một số địa bàn có tỷ lệ vùng xanh cao như huyện Củ Chi (93%), Cần Giờ (82%), Bình Chánh (74%), thành phố Thủ Đức 97,1%), quận Phú Nhuận (64%), quận Tân Bình (52%), Quận 5 (50%), Quận 12 (49%)…
Thời gian qua, nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các khu phố, đã triển khai mô hình giữ vững, mở rộng các “vùng xanh” an toàn với dịch COVID-19 do các lực lượng, người dân tại chỗ tham gia, hình thành các tổ tự quản, thay nhau túc trực, canh gác ở các điểm chốt vào khu dân cư. Tính đến đầu tháng 9/2021, Thành phố đã thiết lập gần 11.000 “vùng xanh”.
Ngay khi được triển khai, phong trào thi đua mở rộng “vùng xanh” trên khắp các xã, phường, thị trấn càng thêm sôi động. Người dân hăng hái phối hợp với lực lượng Công an và các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống dịch.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng hoạt “hàng rào mềm”, “chốt tự quản” đã được người dân dựng lên để bảo vệ khu vực mình sinh sống. Tại các con hẻm, tình trạng người dân tụ tập không còn mà thay vào đó là thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, “ai ở đâu, ở yên đó”.
Để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, thuốc men… cho người dân, các phường, xã, thị trấn đã thành lập đội tình nguyện, xây dựng một phần mềm online để người dân có thể đặt nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Đội tình nguyện sẽ kiểm tra đơn hàng, đi mua và giao hàng ngay trong ngày, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thiết yếu để cư dân an tâm ở nhà phòng, chống dịch.
Tại thành phố Thủ Đức, song song với việc thiết lập và bảo vệ các “vùng xanh”, thành phố tiến hành xác định lại các điểm có nguy cơ cao, rất cao trên địa bàn từng phường để tập trung xét nghiệm, bóc tách F0 đi điều trị, tổ chức tiêm vaccine theo từng tổ dân phố, từng khu vực. Bằng việc áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, tính đến cuối tháng 8/2021, thành phố Thủ Đức đã xây dựng được khoảng 1.700 “vùng xanh”.Ghi nhận tại phường An Lợi Đông, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, “vùng xanh” này có diện tích 360ha, bao gồm 866 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu, được chia thành 20 khu vực.
Trước khi trở thành “vùng xanh”, phường từng có hai điểm phong tỏa nhưng nhờ áp dụng nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch cùng sự đồng lòng của nhân dân toàn phường nên trong vòng 14 ngày, phường đã xóa tan 1 điểm phong tỏa, điểm còn lại cũng chuyển hóa thành “vùng vàng”. Tỷ lệ tiêm vaccine trên địa bàn phường hiện đạt trên 98%.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an thành phố Thủ Đức cho biết: Hiện nay, thành phố Thủ Đức đang tiếp tục giai đoạn 2 là đưa ra tiêu chí để xác lập vùng an toàn trên cơ sở các “vùng xanh” đã giữ được từ trước tới nay, xét nghiệm liên tiếp 7 ngày không có trường hợp nào nhiễm bệnh được xác định là vùng an toàn. Từ đó, tiến hành kiểm soát chặt dịch bệnh, đảm bảo vấn đề tiêm ngừa đạt trên 95%, vấn đề an sinh xã hội cho người dân, từng bước lan tỏa các vùng an toàn, tiến tới xây dựng phường an toàn, khôi phục việc phát triển kinh tế xã hội, việc đi lại, sản xuất.
Để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống dịch, vẽ lại bản đồ COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch sớm nhất có thể trên địa bàn theo Quyết định 3979 ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế.
Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu các quận, huyện tiếp tục rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ được giao, đánh giá và vẽ lại bản đồ COVID-19, bản đồ vaccine, bản đồ an sinh. Các địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh để xác định nhiệm vụ trọng tâm cho những ngày sau 15/9; đồng thời trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch.
Các xã, phường, thị trấn tiếp tục kiện toàn củng cố lực lượng, nắm chắc tình hình dân cư và dịch bệnh trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động thuyết phục, yêu cầu người dân không lơ là, nêu cao cảnh giác, phòng, chống dịch mọi lúc mọi nơi và chuẩn bị tâm thế thay đổi thói quen, lối sống để thích nghi với tình hình mới.
Từng bước khống chế dịch
Duy trì, bảo vệ và mở rộng “vùng xanh” đang được các địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện. Đến nay, 3 địa phương gồm Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ đã kiểm soát được dịch COVID-19 theo tiêu chí của Bộ Y tế.
Tại huyện Củ Chi, địa phương đã lập hai chốt cấp thành phố, 8 chốt cấp huyện, 5 chốt tại 3 khu công nghiệp, 8 chốt cấp xã và 348 chốt tại các ấp, khu phố. Huyện có 21 Tổ công tác đặc biệt tại 21 xã, thị trấn và một Tổ công tác đặc biệt của huyện để tuần tra lưu động, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại cũng như kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền vận động người dân chấp hành quy định giãn cách; duy trì các tổ tự quản bảo vệ “vùng xanh”, đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ chi cho biết: từ ngày 23/8 đến nay, huyện đã tập trung cao độ, thần tốc xét nghiệm tầm soát, đã thực hiện xét nghiệm đạt 300% qua 3 vòng khu vực “vùng đỏ, cam, vàng” và gần đạt 200% “vùng xanh”.
Nhờ đó, hiện nay, Củ Chi xác định có 14 xã, thị trấn là “vùng xanh”, 3 xã “vùng cận xanh”, 3 xã “vùng vàng”, 1 xã “vùng cam”, không còn “vùng đỏ”.
Sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh, huyện Củ Chi đã kéo giảm 100% đối với 21 xã thuộc “vùng đỏ”, kéo giảm 75% “vùng vàng”, “vùng cam”, 17/21 xã được đánh giá “bình thường mới”.
“Để bảo vệ và phát triển “vùng xanh”, huyện Củ Chi sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch mở rộng “vùng xanh” đến ngày 15/9, kiên quyết cách ly, phong tỏa chặt chẽ khu vực nguy cơ, đảm bảo tuyệt đối không lây nhiễm giữa các khu nhà trọ. Đồng thời, huyện Củ Chi tiếp tục vận động, hướng dẫn người dân tự xét nghiệm tại nhà, chủ động phát hiện và bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng, tổ chức tiêm vaccine cho người dân đạt 100% mũi 1 đến ngày 15/9 và đạt 70% mũi 2 đến ngày 30/9”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết thêm.
Trong khi đó, toàn huyện Cần Giờ ghi nhận 1.157 F0, trong đó đã có 866 người khỏi bệnh, đang được điều trị trong các khu cách ly.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết, dù không có F0 điều trị tại nhà nhưng huyện Cần Giờ vẫn tập trung mọi nguồn lực nhằm theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F0 sau xuất viện.
Số ca mắc mới tại cộng đồng của huyện theo tuần có xu hướng giảm liên tục, từ ngày 5/9 đến nay huyện không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới. Hiện số người trên 18 tuổi có mặt tại huyện được tiêm vaccine mũi 1 đạt hơn 98%. Huyện Cần Giờ sẽ tiếp tục duy trì kiểm soát dịch COVID-19 và giữ vững “vùng xanh” trên địa bàn.
Tương tự, Quận 7 đã thiết lập nhiều chốt kiểm soát, trong đó có chốt mở có kiểm soát, chốt khóa và chốt tự quản. Theo Chủ tịch UBND Quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh, công tác tuần tra, chốt chặn, kiểm soát được thực hiện chặt chẽ, người dân trên địa bàn đã chấp hành nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội. Quận 7 đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19, 10 phường trên địa bàn là 10 pháo đài phòng, chống dịch.
Hiện nay, Quận 7 có 409 tổ dân phố thuộc “vùng xanh”, 100 tổ dân phố thuộc “vùng vàng”, 238 tổ dân phố thuộc “vùng đỏ”, “vùng cam”.
Đáng chú ý, trong thành công của Quận 7 trong việc điều trị F0, ngoài mô hình điều trị 3 tầng của Thành phố, hiện Quận 7 có 2 tầng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân F0 gồm tầng điều trị tại nhà và tại các trạm y tế, trạm y tế lưu động.
Các trường hợp F0 tại nhà được hướng dẫn cụ thể, được thăm khám và cung cấp đầy đủ các Gói thuốc điều trị COVID-19 tại nhà, được gửi quà tăng cường dinh dưỡng, chăm lo lương thực cho trường hợp khó khăn.
Quận 7 đã thành lập 34/40 Trạm Y tế lưu động tại 10 phường, mỗi trạm cơ cấu ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng, được trang bị 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị do SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu, test kit xét nghiệm nhanh, túi thuốc cấp cứu... để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu từ 50-100 bệnh nhân F0 trong điều kiện tối giản
Đồng thời, Quận 7 có quy chế phối hợp liên kết giữa các cơ sở điều trị COVID-19 với các bệnh viện đa khoa tư nhân trên địa bàn và các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ phối hợp điều trị F0 khi các cơ sở điều trị của quận không còn đủ khả năng chữa trị hay không còn sức chứa.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trong thời gian qua, các địa phương Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7 đã đạt được những kết quả tích cực. Khi chiếu theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế, đây là những nơi cơ bản kiểm soát được dịch.
Các quận, huyện khác như Phú Nhuận, Nhà Bè, Quận 5, Quận 11 cũng đạt kết quả tốt và sẽ công bố những kết quả tích cực sau ngày 15/9.
Để đảm bảo kết quả phòng, chống dịch được bền vững hơn, có sự chuẩn bị thêm cho giai đoạn phục hồi, mở cửa, Thành phố quyết định tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9/2021.
Trong đó, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như Cần Giờ, Củ Chi, quận 7, Phú Nhuận, Nhà Bè, Quận 5, Quận 11 có thể áp dụng theo tinh thần Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+ (tính chất nới lỏng dần).
Những thành quả tích cực tại một số địa bàn quận huyện là tiền đề quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh từng bước “nới lỏng” một số biện pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, qua đó là nền tảng để triển khai các kế hoạch phục hồi kinh tế trong thời gian tới./.
Xem thêm:
>>Bài 1: Dốc sức cho “trận đánh” cuối
>>Bài 2: Điều chỉnh, linh động các giải pháp
>>Bài 4: Chuẩn bị kỹ cho điều kiện “bình thường mới” và phục hồi kinh tế
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Tp Hồ Chí Minh kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết tháng 9/2021
19:31' - 13/09/2021
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố cần thêm thời gian để củng cố các kết quả đã đạt được.
-
Kinh tế & Xã hội
Tp Hồ Chí Minh: Không để nhân viên y tế làm việc liên tục, không có ngày nghỉ
18:26' - 13/09/2021
Sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, không để họ làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ.
-
Kinh tế & Xã hội
Tp Hồ Chí Minh giảm số ca mắc COVID-19 từ xét nghiệm cộng đồng, số ca bệnh chuyển nặng
19:52' - 12/09/2021
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang gần 60.000 F0 thực hiện cách ly tại nhà và gần 27.000 F0 đang cách ly điều trị tại các cơ sở y tế.
-
Kinh tế Việt Nam
Tp. Hồ Chí Minh dần mở giãn cách, đảm bảo an sinh và an toàn dịch bệnh
19:54' - 11/09/2021
Tp. Hồ Chí Minh hướng đến dần mở giãn cách, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất, an sinh xã hội; đồng thời đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho người dân thành phố.
-
Kinh tế Việt Nam
TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận thiết bị y tế và thuốc hỗ trợ bệnh nhân F0
13:19' - 11/09/2021
Sáng 11/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận vật tư y tế, thuốc hỗ trợ bệnh nhân F0 trị giá 13 tỷ đồng, do các doanh nghiệp, tổ chức trao tặng.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo đã vượt 8 triệu tấn
17:25' - 24/11/2024
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
16:21' - 24/11/2024
Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 11 năm của Tổng thống Bulgaria và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Rumen Radev trên cương vị Tổng thống.
-
Kinh tế Việt Nam
Phối hợp giải đáp những vướng mắc về chính sách sản xuất nông nghiệp
13:26' - 24/11/2024
Ngày 24/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.
-
Kinh tế Việt Nam
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49%
12:44' - 24/11/2024
Trong 11 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49% so cùng kỳ, đạt 94,3% kế hoạch năm với hơn 51.343 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng biển
10:55' - 24/11/2024
Nhằm tạo đột phá, phát huy lợi thế cạnh tranh khác biệt, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Long An quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới
10:06' - 24/11/2024
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển vọng ngành bán dẫn nơi “thủ phủ” công nghiệp
08:50' - 24/11/2024
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ít đất, ít sử dụng lao động nhưng hiệu quả kinh tế và công nghệ cao, tỉnh Bắc Ninh đang hội tụ các yếu tố để phát triển ngành bán dẫn.
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Phú Mỹ lên quy mô thành phố
21:04' - 23/11/2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng quan tâm khắc phục những tiêu chí còn thiếu, đặc biệt là về phục vụ dân sinh đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước
19:21' - 23/11/2024
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách cần thể hiện, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước.