Vì sao Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hợp nhất một số đơn vị?

15:31' - 23/08/2021
BNEWS Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải, vì vậy Bộ đã đề xuất hợp nhất một số đơn vị...
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ thay thế Nghị định 12/2017/NĐ-CP. Đáng chú ý tại dự thảo này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường và đổi tên, sắp xếp cơ cấu một số đơn vị của Bộ.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc thi hành Nghị định số 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Giao thông Vận tải bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền và cơ cấu tổ chức của Bộ. Do vậy, cần thiết phải xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định này.
Theo dự thảo, về cơ cấu tổ chức, sẽ giữ nguyên 24 tổ chức theo Nghị định số 12/2017/NĐ-CP gồm: Vụ Kế hoạch-Đầu tư, Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ An toàn giao thông, Vụ Pháp chế, Vụ Vận tải, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Văn phòng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Các cục quản lý chuyên ngành gồm: Cục Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Y tế Giao thông Vận tải, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.
Ngoài ra, có Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải, Báo Giao thông, Tạp chí Giao thông Vận tải.
Về điểm điểm mới của dự thảo là đề xuất hợp nhất Vụ Khoa học-Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học-Công nghệ và Môi trường. Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, lý do đề xuất sáp nhập là hiện nay lĩnh vực khoa học - công nghệ và lĩnh vực môi trường là các lĩnh vực tương đối gần gũi, gắn bó mật thiết với nhau.
Ngoài ra, nhiều bộ, ngành hiện nay lĩnh vực khoa học - công nghệ và môi trường đều do một vụ phụ trách. Do đó, thực hiện chủ trương tinh gọn đầu mối của Trung ương, đồng thời để tương đồng với các bộ, ngành khác, cần tổ chức lại đơn vị này cho phù hợp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất đổi tên Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thành Cục Quản lý xây dựng công trình giao thông.
Lý do được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là, việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng có rất nhiều nội dung; trong đó, công tác quản lý chất lượng chỉ là một nội dung của quản lý xây dựng. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông được giao thực hiện quản lý đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến giai đoạn hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng. Do vậy, cần thiết phải đổi tên để phản ánh đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ của cục này.
Đối với Cục Y tế Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc sắp xếp lại cũng cần có thời gian để giải quyết dứt điểm việc chuyển giao các cơ sở khám chữa bệnh về địa phương quản lý. Vì vậy, trong dự thảo nghị định tiếp tục quy định tên tổ chức này; đồng thời, quy định việc sắp xếp tổ chức này thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, đối với các đơn vị chuyên ngành, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các đơn vị này tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn đầu mối.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã sắp xếp, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án: Ban Quản lý dự án 1 sáp nhập vào Ban Quản lý dự án Thăng Long; Ban Quản lý an toàn giao thông sáp nhập vào Ban Quản lý dự án 2; Ban Quản lý dự án đường thủy thuộc Cục Đường thủy Việt Nam vào Ban Quản lý dự án Đường thủy thuộc Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án Hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam vào Ban Quản lý dự án Hàng hải trực thuộc Bộ.
Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thành lập lại Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận từ việc sáp nhập Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vào Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam.
Tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2018 đơn vị này cũng thực hiện sắp xếp lại một số đầu mối như giải thể Cục Quản lý đường cao tốc; hợp nhất một số vụ có chức năng tương đồng để giảm đầu mối, giảm cấp phó để thúc đẩy hiệu quả công việc như: Vụ Tổ chức cán bộ sáp nhập vào Văn phòng Bộ thành Vụ Tổ chức-Hành chính…
Tại Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2020 đơn vị này cũng sắp xếp và cơ cấu lại 25 cảng vụ hàng hải xuống còn 22 cảng vụ.
Theo Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Giao thông Vận tải), theo kế hoạch giai đoạn 2015 - 2021, Bộ Giao thông Vận tải tinh giản 1.855 biên chế, tương ứng với giảm 16,5% so với năm 2015; trong đó, khối cơ quan hành chính giảm 230 biên chế, khối đơn vị sự nghiệp giảm 1.650 biên chế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục