Vì sao chống rửa tiền qua giao dịch tiền mã hóa gặp khó?

18:56' - 22/09/2023
BNEWS Trong bối cảnh hội nhập, sự bùng nổ công nghệ khiến nhiều phương thức, thủ đoạn của tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp.
Công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa.

 
Việc quy định pháp lý chưa đầy đủ, quy trình còn chưa hoàn thiện và đặc biệt là thiếu nhân sự chất lượng cao trong ngành này được cho là những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống rửa tiền còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là thông tin tại Hội nghị Quy định của phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa, do Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 22/9.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định triển khai, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, với nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn.

Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập, sự bùng nổ công nghệ khiến nhiều phương thức, thủ đoạn của tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

“Tiền mã hóa được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này. Việt Nam chưa công nhận tiền mã hóa song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch”, ông Hùng cho biết.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, các báo cáo gần đây của các tổ chức uy tín toàn cầu chỉ ra nguy cơ rửa tiền đang có xu hướng tăng cao trong lĩnh vực tiền mã hóa, tài sản số, đồng thời đặt ra thách thức mới trên toàn cầu.

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô các hoạt động rửa tiền toàn cầu có thể lên tới 1.600 – 4.000 tỷ USD/năm, tương đương 2 - 5% tổng GDP toàn thế giới. Trong khi đó, các số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), quy mô của các hoạt động bất hợp pháp này còn có thể cao hơn, từ 2.000 - 5.000 tỷ USD/năm.

Còn tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Số liệu từ Chainalysis được Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ gần đây trong một chương trình tập huấn tại Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 8/2023, tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 – 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

“Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sản giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ 1/10/2021 – 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian”, ông Phan Đức Trung cho biết.

Nói thêm về nguyên nhân tiền mã hóa hấp dẫn tội phạm rửa tiền, ông Trung cho biết chủ yếu là do thiếu quy định đồng bộ. Tính đến năm 2023, một số quốc gia đã xác định tiền mã hóa, tài sản mã hóa là một loại tài sản, do đó có thể áp dụng luật Chống rửa tiền (AML) dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Tuy nhiên, nhiều khu vực vẫn chưa chấp nhận tiền mã hóa, tài sản mã hóa nên việc áp dụng tiêu chuẩn AML toàn cầu là không khả thi. Bên cạnh đó, do thiếu tính đồng bộ giữa các quốc gia nên việc xác định và xử lý hành vi rửa tiền xuyên biên giới trở nên khó khăn. Ngoài ra, do tính chất ẩn danh và giao dịch xuyên biên giới, nên tiền mã hóa rất hấp dẫn tội phạm rửa tiền quốc tế.

Theo Luật sư Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành hãng luật Investpush Legal, đúng là Việt Nam chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về lĩnh vực tiền mã hóa. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong phạm vi quản lý hành chính và quản lý giao dịch dân sự. Theo đó, cơ quan quản lý có thể gặp khó khăn trong việc thu thuế hay quản lý hành chính đối với vấn đề xử lý vi phạm liên quan đến tiền mã hóa.

Còn dưới góc độ hình sự thì khác. “Nếu một người phạm tội rửa tiền thông qua tiền mã hóa, tiền mã hóa chỉ là một công cụ để thực hiện hành vi rửa tiền. Bản chất vấn đề vẫn là người này phạm tội liên quan đến hành vi rửa tiền và sẽ chịu xử lý theo khung pháp lý quy định”, Luật sư Đào Tiến Phong cho biết.

Để phòng chống nguy cơ rửa tiền mã hóa có thể gia tăng trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới các tổ chức tín dụng, định chế tài chính cần nỗ lực triển khai các giải pháp nhận diện giao dịch tài sản số, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nhân sự cho hoạt động phòng chống rửa tiền thông qua các loại tiền mã hóa.

Cụ thể, các ngân hàng, tổ chức tài chính cần nhận diện và học hỏi cách phân loại tài sản số theo các quy tắc của BIS, Basel và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS; xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hóa đối với các tài khoản cá nhân. Đối với các giao dịch với tài sản mã hóa thực hiện qua hình thức cho vay ngang hàng (P2P) có thể căn cứ theo các quy định trong Luật Phòng và chống rửa tiền áp dụng từ 1/3/2023.

Ngoài ra, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật. Nguồn nhân lực này không thể chỉ trông chờ vào luật hay cơ quan nhà nước mà cần được chủ động thực thi bởi tầm nhìn chiến lược của các lãnh đạo ngân hàng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục