Vì sao đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc khó đạt kết quả đột phá

05:30' - 01/08/2019
BNEWS Sau vòng đàm phán hồi tháng 5/2019 mà không đạt được kết quả, Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau về sự đổ vỡ và áp dụng các biện pháp thuế quan khiến hai bên khó tiến tới một thỏa thuận lớn hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bài viết trên trang Wall Street Journal, ngày 30-31/7, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán, thực hiện các bước đi thăm dò nhằm vượt qua sự ngờ vực lẫn nhau và đạt được một thỏa thuận với những đột phá sau nhiều tuần đàm phán rơi vào đình trệ khi hai bên cáo buộc lẫn nhau đi ngược lại thỏa thuận ban đầu đạt được trong các vòng đàm phán trước đó.

Đoàn đàm phán Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã thảo luận cùng đoàn đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu và hai bên nhất trí sẽ gặp lại nhau tại Mỹ vào tháng 9 tới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định khả năng Mỹ - Trung đình chiến trong cuộc chiến về thuế quan là rất mong manh vì các bất đồng cơ bản giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết, và không có dấu hiệu cho thấy hai chính phủ sẽ sẵn sàng nhượng bộ.

Có thể thấy hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chờ đợi sự thể hiện thiện chí của nhau. Mỹ muốn nhận được đơn đặt hàng mua nông sản từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc muốn Washington nới lỏng quy định hạn chế tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei tiếp cận công nghệ Mỹ.

James Green, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là cố vấn cho hãng tư vấn McLarty Associates, nhận xét: "Mặc dù hai bên có thể đạt được một số bước nhỏ và có sự đồng thuận trong một số lĩnh vực nhằm xây dựng lòng tin, song trong các cuộc đàm phán, chẳng có gì sẽ được quyết định cho tới khi mọi thứ được giải quyết".

Ngoài những tiến bộ nhỏ đạt được, sẽ không có nhiều kỳ vọng về khả năng hai bên sẽ đat được bước đột phá trong giải việc giải quyết các bất đồng thương mại vốn gây chao đảo cho các thị trường toàn cầu trong thời gian qua và khiến hai nước áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD trong tổng số 600 tỷ USD trao đổi hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trước đó, ngay sáng 30/7, Tổng thống Trump đã đăng một loạt các dòng trạng thái trên Twitter nhằm gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh để nhanh chóng đạt được một thỏa thuận, đồng thời cảnh báo Trung Quốc không nên đợi nhiệm kỳ đầu tiên của ông kết thúc mới ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Tổng thống Trump cũng cho biết nếu ông tái đắc cử tổng thống vào tháng 11/2020, hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận nào hoặc nếu có sẽ là một thỏa thuận còn tồi tệ hơn.

Ông Eric Zheng, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng hải, cho biết: "Những thách thức còn lại rất khó được giải quyết. Tôi không nghĩ rằng vòng đàm phán ở Thượng Hải có thể giải quyết được". Hiện các nhà đàm phán Mỹ đang có gắng xem liệu có thể cứu vãn những gì từ dự thảo thỏa thuận đạt được trong các vòng đàm phán trước giữa hai bên hay không. Theo đó, Mỹ yêu cầu Bắc Kinh thực hiện các thay đổi về cấu trúc và pháp lý để giảm bớt các khoản trợ cấp và hủy bỏ yêu cầu ép buộc chuyển giao công nghệ mà phía Mỹ cho là không công bằng.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản, hai bên đồng ý nối lại đàm phán với điều kiện Trung Quốc sẽ mua các mặt hàng nông sản của Mỹ, ngược lại Washington sẽ cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei. Mặc dù vậy, tiến độ thực hiện những nhượng bộ đó vẫn còn chậm.

Bắc Kinh cho biết đã mua hàng triệu tấn đậu nành của Mỹ kể từ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào cuối tháng Sáu. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn đậu nành sang Trung Quốc trong ba tuần kết thúc ngày 18/7. Tuy nhiên, trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump cho biết: "Trung Quốc được cho là đã mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, nhưng không có dấu hiệu cho thấy họ đang làm vậy. Đó là vấn đề với Trung Quốc, họ không thực thiện".

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra tại Thượng Hải là cuộc đàm phán trực tiếp thứ 12 giữa hai nước. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng vòng đàm phán này là một sự khởi động mang tính biểu tượng và các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có đủ khả năng để kéo dài các cuộc đàm phán tới năm sau, bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể khiến ông Trump chấp nhận thỏa thuận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục