Vì sao ngành đường sắt chưa lắp đặt camera để ngăn người dân đu bám tàu trốn chốt kiểm dịch?

21:52' - 20/08/2021
BNEWS Theo Tổng công ty Đường sắt, với nguồn lực có hạn nên việc lắp hệ thống camera cho hệ thống mạng lưới đường sắt gồm gần 300 nhà ga cũng như các đoàn tàu chưa thể thực hiện vì số tiền đầu tư rất lớn.

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 20/8, ông Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, với tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực phía Nam, ngành đường sắt nhận thức sâu sắc nguy cơ việc người dân không có giấy tờ theo quy định hoặc không muốn cách ly y tế nên đã đu bám theo tàu hàng tại các nhà ga, khu vực vắng vẻ trên tuyến đường sắt Bắc - Nam nhằm trốn kiểm dịch.

Vì vậy, ngành đường sắt đã đưa ra nhiều ra pháp; trong đó có quy trách nhiệm của từng đơn vị, ca, kíp, đặc biệt là các cá nhân trong quá trình vận hành chạy tàu.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng đề nghị các địa phương dọc trên tuyến đường sắt tham gia phối hợp kiểm soát việc đu bám tàu của người dân.

Về việc tại sao ngành đường sắt không lắp đặt hệ thống camera dọc tuyến đường sắt và các nhà ga để kiểm soát quá trình chạy tàu, ngăn ngừa hiện tượng trên, đặc biệt có thể truy xuất việc các đối tượng đu bám tàu để trốn chốt kiểm dịch phục vụ việc xử lý của các cơ quan chức năng, về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc Hoàng Gia Khánh cho biết, quá trình nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tính đến. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn nên việc lắp đặt hệ thống camera cho toàn hệ thống mạng lưới đường sắt gồm gần 300 nhà ga cũng như trên các đoàn tàu chưa thể thực hiện được vì số tiền đầu tư rất lớn.

“Hiện chỉ các đường ngang trên tuyến là ngành đường sắt đang thực hiệp lắp đặt hệ thống camera để phục vụ quản lý và điều hành chạy tàu. Đối với các ga lớn ngành đường sắt cũng đã đầu tư hệ thống đường bao, hàng rào, sân đỗ tương đối hiện đại nên việc quản lý người dân ra vào ga rất chặt chẽ, chỉ có nhưng ga nhỏ trên tuyến nằm dọc các khu vực vắng vẻ, đồi núi thì việc quản lý người dân ra vào ga còn rất khó khăn”, ông Hoàng Gia Khánh cho hay.

Vì vậy, ông Hoàng Gia Khánh cho hay, để quản lý chặt chẽ hiện tượng người dân bám, đu tàu trốn dịch tại các nhà ga hay những đoạn đường buộc phải giảm tốc độ, ngành đường sắt sẽ tăng cường thêm nhân lực phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo không có người dân trốn dịch qua đường sắt.

Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi nhận được báo cáo đầy đủ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về hiện tương đu bám tàu nhằm trốn các chốt kiểm soát dịch, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ có các giải pháp để phối hợp với các đơn vị ngăn chặn hiện tượng này. Trước mắt, một trong các giải pháp mà Cục đưa ra là tăng thêm số lượng thanh tra cũng như các đoàn kiểm tra tại các địa phương có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có công điện yêu cầu các đơn vị tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận chuyển, đảm bảo an toàn chạy tàu; đồng thời, phối hợp hiệu quả với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các công ty vận tải chỉ đạo các chi nhánh vận tải, đoàn tiếp viên phối hợp chặt chẽ với các ga và các đơn vị đường sắt liên quan kiểm soát chặt chẽ hành khách đi tàu đảm bảo các quy định công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương; không để người dân lên, xuống tàu tại các ga không có tác nghiệp đón tiễn khách hoặc các ga không bán vé đi hoặc đến theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương.

Cùng với đó, các đơn vị vận tải cần phối hợp với các ga, các xí nghiệp đầu máy để kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức chạy tàu hàng, không để người dân lợi dụng tàu hàng để di chuyển giữa các địa phương, gây mất an toàn chạy tàu và vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, khi phát hiện có người đu bám, trốn trên các đoàn tàu hàng, nhân viên theo tàu, lái tàu, nhân viên nhà ga, đường ngang,… phải kịp thời báo cho ga gần nhất để phối hợp với địa phương xử lý, đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19 và quy định của ngành đường sắt.

Đối với các chi nhánh khai thác đường sắt, VNR yêu cầu chỉ đạo các ga có tác nghiệp hành khách, hàng hóa tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát hành khách đi tàu đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ quan thẩm quyền và địa phương; kiểm soát chặt công tác tổ chức chạy tàu hàng khi lập tàu, khi đến hoặc qua ga, không để người không có nhiệm vụ lên các đoàn tàu hàng; phối hợp với Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt để dừng các đoàn tàu hàng có người bất hợp pháp trên tàu và cùng với địa phương xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các chi nhánh xí nghiệp đầu máy, công ty cổ phần đường sắt được Tổng công Đường sắt Việt Nam yêu cầu chỉ đạo các ban lái tàu, nhân viên đường ngang tăng cường kiểm tra, quan sát đoàn tàu trong quá trình chạy tàu và khi tàu qua đường ngang (đặc biệt các đoàn tàu hàng) phát hiện có người đu bám hoặc khả nghi trên tàu hàng phải báo ngay cho ga gần nhất để xử lý kịp thời…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục