Vì sao nông sản Việt vẫn thiếu tính cạnh tranh?

12:08' - 03/03/2017
BNEWS Đa số nông sản của Việt Nam lại xuất khẩu dưới dạng thô và hầu hết là chưa có thương hiệu nên cho giá trị thấp. Do đó, việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết.
Phần lớn nông sản Việt được xuất khẩu dưới dạng thô. Ảnh: Lê Hữu Quyết-TTXVN

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế gới. Tuy nhiên, đa số nông sản của Việt Nam lại xuất khẩu dưới dạng thô và hầu hết là chưa có thương hiệu nên cho giá trị thấp. Do đó, việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết để tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

* Nhiều nông sản Việt chưa xây dựng được thương hiệu

Nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, góp phần to lớn xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị-xã hội. Bên cạnh đó, nông nghiệp còn là yếu tố cơ bản, quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới với tổng giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu trung bình hàng năm khoảng trên 30 tỷ USD.

Hiện nay, ngành nông nghiệp có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu chính, trong đó có 8 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, thủy sản, điều, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ) và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản…

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho biết, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Bên cạnh đó, đến nay mới chỉ có một số sản phẩm nông sản Việt có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu như: ở cấp quốc gia hiện có CheViet, Gạo Việt Nam; ở cấp địa phương và doanh nghiệp, đối với trái cây có vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh)…; đối với gạo có gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo nàng thơm chợ Đào (nhãn hiệu tập thể, Long An)…; đối với cà phê có cà phê Buôn Ma Thuột; đối với hồ tiêu có hồ tiêu Chư Sê, hồ tiêu Phú Quốc, hồ tiêu Lộc Ninh, hồ tiêu Quảng Trị; đối với hạt điều có hạt điều Bình Phước…

Còn lại, hầu hết nông sản Việt chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, thậm chí, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Cụ thể, thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp cho thấy, hiện mới chỉ có khoảng 15% trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.

Tương tự, ở trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Đây là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường cả trong và ngoài nước còn yếu và chịu nhiều thiệt thòi.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Bùi Thị Thanh An cho rằng, hình ảnh giá rẻ-chất lượng thấp gắn với Việt Nam trong một thời gian quá dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam. Muốn thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam không những phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác sản xuất nông nghiệp, mà còn phải khẳng định với thế giới về chất lượng và chủ quyền về sản phẩm thông qua thương hiệu. Do đó, việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết.

* Xác định các sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu

Những năm gần đây, vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu hàng nông lâm thủy sản đã được các cơ quan trung ương, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm, tiếp cận và triển khai. Một số địa phương đã hình thành vùng chuyên canh, sản xuất tập trung lớn cho các sản phẩm thế mạnh; dù vậy quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thật sự có được vùng chuyên canh đúng nghĩa, đồng thời yếu trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền.

Nhiều nông sản chưa xây dựng được thương hiệu. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc đăng ký đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cũng như chỉ dẫn địa lý cũng đã được chú trọng nhưng hiệu quả chưa lớn, chỉ có một số ít chỉ dẫn địa lý là có sức lan tỏa như: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận... Nguyên nhân xuất phát từ việc quản lý chỉ dẫn địa lý không đồng bộ, thống nhất, mỗi tỉnh có một cách quản lý khác nhau theo đặc thù địa phương. Do vậy, để bảo vệ chất lượng và danh tiếng cho đặc sản của mình, các nhà kinh tế cho rằng, các nhà sản xuất, kinh doanh tại địa phương nên cùng tập hợp nhau lại trong một tổ chức tập thể (như Hiệp hội) để tập trung sức mạnh, thống nhất chiến lược, kế hoạch từng bước xây dựng thương hiệu cho các đặc sản.

Để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam thông qua thương hiệu, theo các chuyên gia, nên chọn ra các sản phẩm có thế mạnh để tạo nên sản phẩm có thương hiệu quốc gia, có tính cạnh tranh quốc tế. Đối với địa phương, cần chọn ra thế mạnh của địa phương để phát triển và có thể cạnh tranh trong nước. Như vậy, ở mỗi địa phương sẽ có rất nhiều sản phẩm có thể cạnh tranh trong nước và quốc gia có sản phẩm cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, một trong những trở ngại khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam trở nên khó khăn là do quy mô sản xuất ngành nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm chưa có chất lượng cao, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Có những sản phẩm mặc dù theo quy chuẩn Vietgap, nhưng đến khi kiểm tra dư lượng chất bảo vệ thực vật, hóa chất vẫn còn. Điều này đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và là rào cản lớn cho việc xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Do đó, các chủ vườn, hợp tác xã và người dân cần phải xem lại quy trình sản xuất để có được sản phẩm chất lượng cao, đưa vào thị trường tiêu thụ một cách bền vững.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nông sản Việt Nam cần khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất Vietgap, phát triển hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị hàng hóa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có kế hoạch trong năm 2017 sẽ triển khai xây dựng “Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020” nhằm xác định cụ thể các sản phẩm nông sản chủ lực định hướng xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn mác.

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cũng cho biết, thời gian tới sẽ xây dựng cơ chế cụ thể; trong đó ưu tiên các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh của từng địa phương và phục vụ xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục