Vì sao phải tăng vốn cho các ngân hàng thương mại?

21:38' - 04/05/2019
BNEWS Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp các câu hỏi về việc 4 ngân hàng thương mại (VietinBank, BIDV, Vietcombank và Agribank) đề xuất tăng vốn.
 Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước quá chậm và vì sao phải tăng vốn cho các ngân hàng thương mại trong thời gian qua đã được đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giải đáp tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 4/5.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tiến trình cổ phần hóa hiện nay rất chậm. Theo đó, 4 tháng đầu năm 2019, chỉ có 2 đơn vị được các cấp thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị doanh nghiệp là 295 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016, đã có 116 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa với tổng giá trị 442.000 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn Nhà nước là 206.000 tỷ đồng.

Như vậy, tiến trình này vẫn chưa đạt tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa còn lại là 97 doanh nghiệp, chiếm 76% số lượng doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, nguyên nhân các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chậm là do một số Bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn chưa nghiêm túc trong việc thực hiện kế hoạch; nhiều doanh nghiệp còn vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động...

Để thúc đẩy đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương sửa đổi bổ sung các văn bản liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Khắc phục vấn đề này, thủ trưởng các đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm đôn đốc và Ủy ban quan lý vốn Nhà nước cần thực hiện đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp có vốn Nhà nước tại danh mục doanh nghiệp Nhà nước sắp xếp tại giai đoạn 2016 -2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cũng như các địa phương cần rà soát quỹ đất đai để lập phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh xác định và trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến về giá đất nhằm xác định giá trị cổ phần hóa theo quy định.

Liên quan đến việc 4 ngân hàng thương mại (VietinBank, BIDV, Vietcombank và Agribank) đề xuất tăng vốn vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, 4 ngân hàng này là những đơn vị chủ lực cung ứng vốn cho các chương trình của Nhà nước, đặc biệt là các chương trình, dự án trọng điểm.

Trong những năm qua, 4 ngân hàng thương mại này có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh từ 15 - 16%/ngân hàng, nhưng vốn điều lệ để bổ sung cũng không được tăng. Trong khi đó, chỉ số vốn điều lệ trên tổng số tài sản có (CAR) phải luôn đảm bảo lớn hơn hoặc bằng 9%. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ và lấy ý kiến các Bộ, ngành để thực hiện việc tăng vốn./.

>>> Mùa đại hội cổ đông: Phía sau những con số tăng trưởng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục