Mùa đại hội cổ đông: Phía sau những con số tăng trưởng

10:48' - 29/04/2019
BNEWS Mùa đại hội cổ đông năm nay, đa số doanh nghiệp thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2019 với mức tăng trưởng dương. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, dù doanh nghiệp đạt được những kết quả kinh doanh tích cực nhưng mức độ tăng trưởng đã giảm sút so với năm 2018. Đây có thể là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán diễn biến “lình xình” với thanh khoản liên tục sụt giảm.

*Ngân hàng rầm rộ tăng vốn

Năm 2019 các ngân hàng rầm rộ tăng vốn, sáp nhập, đưa cổ phiếu lên sàn. Đơn cử, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa nhất trí với kế hoạch niêm yết cổ phiếu MSB tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) vào quý III/2019.

Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam. Nguồn: MSB

Theo Tổng Giám đốc MSB Huỳnh Bửu Quang, việc IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) và niêm yết cổ phiếu là điều tất cả các cổ đông đều mong mỏi. Hiện Hội đồng quản trị đã và đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết, nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE.

Cũng theo đại diện MSB, việc IPO sẽ giúp vốn của ngân hàng tăng lên, lượng tiền mặt nhiều hơn và giúp nắm bắt nhiều hơn các cơ hội kinh doanh. Ngân hàng dự kiến việc IPO sẽ làm tăng giá trị vốn hóa sau khi niêm yết, dự kiến khoảng 1,1 tỷ USD sau khi bán lại toàn bộ cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư chọn lọc.

Năm 2019, MSB lập kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng lên mức 12.750 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước 100 triệu cổ phần hoặc tối đa 8,5% vốn điều lệ hiện hữu.

Tương tự, Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) 2019 đã nhất trí cao với phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2019 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.

Theo HDBank, kế hoạch tăng vốn này sẽ giúp HDBank nâng cao hơn nữa chỉ tiêu an toàn vốn và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Xu hướng mua bán, sáp nhập cũng được đẩy mạnh trong chiến lược phát triển của các ngân hàng. Đơn cử Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) sẽ mua bán toàn bộ 100% vốn các cổ đông của công ty tài chính để trở thành công ty con của TPBank hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ngay sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép mua lại. Chủ trương này vừa được thông qua trong Đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank Đỗ Minh Phú thông tin, ngân hàng đang trong quá trình xem xét một số công ty tài chính nên phương án cụ thể mua công ty nào hiện chưa được tiết lộ.

Năm 2019, TPBank cũng đặt mục tiêu phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế để tăng năng lực tài chính và niêm yết trên thị trường Singapore.

Liên quan đến kế hoạch tăng vốn thêm gần 1.500 tỷ đồng lên mức 10.000 tỷ đồng, Chủ tịch Đỗ Minh Phú tiết lộ: "Để tăng vốn, ngân hàng có các nguồn từ lợi nhuận để lại sau khi đã thực hiện các mục tiêu, phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu và thặng dư vốn khi phát hành riêng lẻ".

Như vậy, đa số các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn. Tuy nhiên, việc tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho người lao động khiến nhiều nhà đầu tư kém vui.

Theo anh Nguyễn Văn Hanh, chuyên viên môi giới Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), việc doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp dòng tiền mặt của doanh nghiệp không bị giảm xuống, đồng thời làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp và giá trị vốn chủ sở hữu gồm vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn… không đổi.

Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu làm cổ phiếu bị “pha loãng” khiến cổ phiếu giảm giá. Nhiều nhà đầu tư khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu còn lập tức bán ra lượng cổ phiếu này sẽ tạo thêm áp lực giảm giá lên cổ phiếu.

*Giảm mục tiêu lợi nhuận

Mặc dù các doanh nghiệp đầu ngành đều ghi nhận có mức tăng trưởng lợi nhuận khá, nhưng mức tăng này nếu so với quý cùng kỳ năm ngoái thì đã giảm rõ rệt.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Hội đồng quản trị công ty đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu 63.908 tỷ và lợi nhuận sau thuế 7.643 tỷ đồng, tương ứng với việc giảm 16% về doanh thu và lợi nhuận giảm 35% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế là 9.546 tỷ đồng.

Riêng công ty mẹ, chỉ tiêu doanh thu là 59.042 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 7.472 tỷ đồng. So với báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2018, kế hoạch này giảm 13% về doanh thu và 34% về lợi nhuận. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2019 là 30%.

Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2018 và phương hướng năm 2019 của Hội đồng quản trị Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), năm 2019 vẫn có thể là năm đầy khó khăn, thách thức đối với PV GAS khi bên cạnh những ảnh hưởng của kinh tế, chính trị thế giới thì nội tại PV GAS phải đối diện và giải quyết các vấn đề về biến động giá dầu; chi phí bảo dưỡng sửa chữa ngày càng tăng theo số năm vận hành công trình khí; suy giảm nguồn khí trong nước giá thấp trong khi nguồn khí mới bổ sung chưa được kịp thời hoặc sản lượng nhỏ...

Một doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ hai thị trường chứng khoán là Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM) cũng đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019. Theo đó, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Vinhomes quý I/2019 là 3.358 tỷ đồng.

Trong khi đó, quý I/2018, VinHomes đạt 10.535 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 3.906 tỷ đồng. VinHomes cho biết, doanh thu thấp hơn cùng kỳ do công ty hầu như đã hoàn thành bàn giao các căn hộ, biệt thự cho khách hàng tại dự án VinHomes Green Bay và VinHomes Central Park. Trong quý I/2018, doanh thu từ 2 dự án này đạt 8.006 tỷ đồng, nhưng đến quý I/2019 doanh thu còn 2.157 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đầu ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) cũng vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu toàn tập đoàn dự kiến đạt 70.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%, thấp hơn mức 30% trong năm 2018.

Trong năm 2018, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 56.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cao nhất trong lịch sử 8.600 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch năm 2019 của Hòa Phát có sự tăng trưởng doanh thu 24%, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 22%.

* Cổ phiếu không hấp dẫn vì sao?

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí cho rằng, mùa Đại hội cổ đông diễn ra vào giai đoạn đầu năm thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thường được ghi nhận là tích cực. Theo thống kê, mùa Đại hội cổ đông thường mang đến những hiệu ứng tốt cho thị trường chứng khoán nói chung và từng cổ phiếu riêng lẻ nói riêng.

Tuy nhiên, năm 2019 tình hình kinh tế vĩ mô mặc dù vẫn tốt, nhưng không được như kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng cũng chậm lại, chỉ đạt 1,9%, trong khi cùng kỳ năm 2018 con số này là 2,23%.

Tăng trưởng GDP vẫn tích cực (đạt 6,97%), nhưng nếu so với mức tăng của quý I/2018 (đạt 7,38%) rõ ràng đã có dấu hiệu giảm đi, một số ngành nghề cũng có dấu hiệu giảm có nghĩa là tăng trưởng kinh tế nói chung đang chậm lại.

Xét đến diễn biến nội tại của thị trường, việc khối ngoại bán ròng rất mạnh trong tháng 3, đạt 939 tỷ đồng và trong tháng 4 khối này mua ròng trở lại, nhưng so với tháng 1 và tháng 2 là vẫn đạt thấp.

Vị chuyên gia này cho rằng: “Dù các doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng tích cực, nhưng thực tế mức tăng trưởng của các doanh nghiệp năm nay đã chậm lại. Đây là những thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ vọng của nhà đầu tư về giá cổ phiếu”./.

Xem thêm:

>>Sacombank chỉnh sửa Đề án tái cấu trúc để đề nghị chia cổ tức sớm hơn

>>BIDV đặt mục tiêu lãi 10.300 tỷ đồng trong năm nay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục