Vị thế thống trị của đồng USD – Bài cuối: Sự “lung lay” được báo trước?

06:30' - 13/04/2025
BNEWS Đồng USD vẫn giữ vững vị thế là đồng tiền thống trị toàn cầu trong nhiều thập kỷ, nhưng những chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có thể tạo ra nguy cơ đe dọa đối với vị thế đó.

Theo nhận định của bài viết trên trang mạng Foreign Affairs, trong bối cảnh thiếu vắng các lựa chọn thay thế khả thi, đồng USD có thể chưa “mất ngôi” trong ngắn hạn, nhưng tốc độ suy yếu tiềm tàng đã tăng lên.

Trong những tuần đầu tiên trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã theo đuổi các chính sách khiến đồng USD mạnh lên. Nhưng chính các chính sách này, cùng với sự bất ổn kinh tế, giờ đây đang tạo áp lực đè nặng lên đồng bạc xanh. Các thị trường dự báo việc điều chỉnh chính sách sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ suy giảm nghiêm trọng, nhất là sau khi ông Trump ra thông báo áp loạt thuế quan toàn cầu mạnh mẽ và sâu rộng.

Đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại, tình trạng thiếu lao động do trục xuất người nhập cư và sự bất định chung về chính sách đang ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, dẫn đến chi tiêu giảm, tăng trưởng giảm,... Hệ quả là, trong quý I/2025, các chỉ số chứng khoán châu Âu đã vượt trội hơn chỉ số chứng khoán chính của Mỹ tới gần 20% – mức chênh lớn nhất trong hơn 30 năm.

Tác động lan tỏa và hệ quả lâu dài

Nhìn rộng ra, các chính sách của ông Trump [nếu được thực thi đầy đủ] không chỉ gây thiệt hại về kinh tế trong ngắn hạn, mà còn đe dọa trực tiếp đến uy tín của Mỹ với tư cách một đối tác thương mại tin cậy – từ đó làm xói mòn nhu cầu sử dụng đồng USD.

 

Đáng chú ý, các đồng minh thân cận của Mỹ sẽ là những bên chịu thiệt hại nặng nề nhất, vì nhiều quốc gia trong số đó có thể sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn so với các đối thủ của Mỹ. Đơn cử, Israel, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đều phải chịu mức thuế cao hơn Iran hoặc Nga. Nghiên cứu cho thấy các quốc gia có xu hướng nắm giữ dự trữ ngoại tệ bằng đồng tiền của các đối tác chính trị thân cận.

Ngoài ra, việc Washington nếu lạm dụng trừng phạt kinh tế cũng góp phần đẩy nhanh quá trình phi đô la hóa. Chiến dịch “gây áp lực tối đa” với Iran hay các biện pháp mạnh tay với Venezuela cho thấy chính quyền Tổng thống Trump sẵn sàng mở rộng công cụ trừng phạt hơn nữa.

Khi ngày càng có nhiều quốc gia bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, họ sẽ có động lực giảm phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại xuyên biên giới và dự trữ ngoại hối. Ngay cả khi những nước này không hoàn toàn từ bỏ đồng USD hay thay thế nó bằng một lựa chọn thống trị khác, các hệ thống thanh toán thay thế như CIPS của Trung Quốc có thể sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của khoảng 2/3 số quốc gia trên thế giới. Nếu CIPS trở thành cách duy nhất để giao dịch với các công ty Trung Quốc, các tổ chức tài chính tại những nước đối tác thương mại với Trung Quốc sẽ có động lực mạnh mẽ để gia nhập CIPS. Thay vì điều chỉnh mô hình thương mại theo yêu sách của Mỹ, các nước sẽ tái cấu trúc hạ tầng tài chính để duy trì dòng chảy thương mại.

Rủi ro nghiêm trọng nhất với đồng USD có lẽ đến từ việc ông Trump đe dọa phá vỡ nền tảng pháp quyền của Mỹ. Nguy cơ không chỉ nằm ở việc chính quyền Mỹ có thể sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng hiến pháp bằng cách thách thức các phán quyết của tòa án. Nó còn liên quan đến nguy cơ xuất hiện một hình thái chính phủ mang tính cá nhân chủ nghĩa và thiên vị.

Thêm vào đó là bài toán nợ công. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo nợ chính phủ sẽ tăng từ 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên gần 150% GDP vào năm 2050. Nếu Quốc hội Mỹ đồng ý cắt giảm thuế thêm một lần nữa mà không đi kèm kiểm soát chi tiêu, phần lớn ngân sách sẽ phải dành để trả lãi vay, làm giảm tốc độ tăng trưởng dài hạn và sức hấp dẫn của tài sản Mỹ.

Một số cố vấn thân cận với ông Trump đã đề xuất sáng kiến "Hiệp định Mar-a-Lago", trong đó yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu Mỹ hiện có sang trái phiếu 100 năm không lãi suất. Việc này nếu bị áp đặt đơn phương sẽ bị coi là vỡ nợ – một đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ với tư cách người phát hành nợ và làm suy yếu lòng tin vào đồng USD.

Trong kịch bản kinh tế suy giảm – điều mà nhiều ngân hàng Phố Wall đang dự báo – ông Trump có thể lại rơi vào tình trạng đối đầu với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) như trong nhiệm kỳ đầu. Hiện Fed đang thận trọng trước các tác động lạm phát từ chính sách thuế quan mới của Nhà Trắng và chưa muốn hạ lãi suất thêm. Trong khi đó, ông Trump công khai yêu cầu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế.

Nếu ông gây áp lực thành công và khiến Fed mất đi tính độc lập, đồng USD sẽ mất chỗ dựa quan trọng nhất. Fed chính là trụ cột của toàn bộ hệ thống thanh toán dựa trên đồng USD. Các ngân hàng trung ương lớn, như Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng trung ương Canada (BoC) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo ngại rằng, một khi Fed bị chính trị hóa, thì trong một cuộc khủng hoảng, Mỹ có thể cắt đứt khả năng vay mượn bằng đồng USD thông qua các đường dây hoán đổi tiền tệ, nhằm ép buộc các quốc gia này phải nhượng bộ Mỹ.

Ngay cả khi đồng USD không hoàn toàn bị “phế truất”, thì bất kỳ sự suy giảm nào về vị thế của đồng bạc xanh đều sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ và thế giới. Vị thế đồng tiền dự trữ mang lại nhiều lợi thế cho Mỹ, bao gồm chi phí vay thấp hơn, khả năng áp đặt trừng phạt hiệu quả hơn và các dòng vốn quốc tế ổn định hơn. Phần còn lại của thế giới cũng hưởng lợi từ một đồng tiền thanh khoản cao, có thể chuyển đổi dễ dàng và được tin cậy rộng rãi. Nếu vị thế đó suy yếu, hệ quả sẽ là chi phí giao dịch cao hơn, thương mại phức tạp hơn và mức sống toàn cầu giảm xuống – cho đến khi (nếu có) xuất hiện một đồng tiền thay thế khác.

Đồng USD không phải lúc nào cũng là đồng tiền dự trữ của thế giới hay là đồng tiền được ưa chuộng trong thương mại quốc tế. Vào thế kỷ XIX, chính đồng bảng Anh (GBP) mới giữ vai trò đó, và các nhà tài chính Anh hẳn đã từng cảm thấy an tâm về sự thống trị của nó.

Tuy nhiên, lịch sử từng chứng kiến đồng GBP mất vị thế toàn cầu sau hai cuộc đại chiến thế giới và một giai đoạn dài suy thoái. Khi ấy, các nhà tài chính London cũng từng tin tưởng rằng đế chế của họ là mãi mãi, bởi Anh có thị trường vốn khổng lồ, là nền kinh tế hàng đầu thế giới, trung tâm của thương mại quốc tế. Nhưng sự đi xuống của đồng GBP là kết quả của các lựa chọn sai lầm trong chính sách. Tương tự, sự trỗi dậy của đồng USD không phải là định mệnh và không có gì là không thể xảy ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục