VICEM chuyển nhượng quyền mua hơn 10 triệu cổ phần tại VietCredit

12:00' - 18/08/2024
BNEWS Nhằm tái cơ cấu đầu tư, tối ưu hóa tài chính và tập trung vào lĩnh vực xi măng, Tổng công ty Xi Măng Việt Nam sẽ chuyển nhượng toàn bộ quyền mua hơn 10 triệu cổ phần tại Công ty Tài chính CP Tín Việt.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai công tác thoái vốn Nhà nước để thực hiện các mục tiêu chung, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) giai đoạn 2021 – 2025; trong đó việc có thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit).

Theo đó, VICEM sẽ tiến hành thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng để chuyển nhượng quyền mua cổ phần tại VietCredit. Kế hoạch chuyển nhượng quyền mua cổ phần tại VietCredit của VICEM nhằm tái cơ cấu đầu tư, tối ưu hóa tài chính và tập trung vào lĩnh vực xi măng. Đây cũng là một trong những phần việc của kế hoạch tái cấu trúc và điều chỉnh chiến lược đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

 

Với phương án được Bộ Xây dựng phê duyệt, VICEM sẽ chuyển nhượng toàn bộ quyền mua 10.034.732 cổ phần tại Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt. Đây chính là số quyền mua cổ phần tương ứng 100% số lượng quyền mua cổ phần đang sở hữu theo thông báo thực hiện quyền mua cổ phiếu chốt vào ngày 20/6/2024 của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt.

Như vậy, tỷ lệ sở hữu dự kiến của VICEM tại VietCredit sau khi Công ty này hoàn tất việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là 11% (trong trường hợp tỷ lệ chào bán thành công là 100%).

Bước đi chiến lược này của VICEM nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư; đồng thời tăng cường sức mạnh tài chính để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi trong lĩnh vực xi măng và vật liệu xây dựng. Việc chuyển nhượng này cũng phản ánh sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư của VICEM, nhằm đảm bảo nguồn vốn được phân bổ hiệu quả vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

VICEM khẳng định, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi tối đa cho các bên liên quan. Thỏa thuận này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn lực tài chính mới cho VICEM, giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào việc phát triển các sản phẩm xi măng chất lượng cao và mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Từ năm 2023 đến nay, VICEM nói riêng và ngành xi măng nói chung vẫn phải chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Bên cạnh đó, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023...

Dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước sẽ khó đạt được mức tăng trưởng cao, trong khi nguồn cung lại vượt xa cầu. Nhiều dây chuyền xi măng mới tiếp tục được đưa vào sản xuất dẫn tới cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, việc điều chỉnh chiến lược đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng là phương án nhiều đơn vị thuộc lĩnh vực này phải tính toán, cân nhắc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục