VICEM đặt mục tiêu sản xuất vượt 16% tổng công suất thiết kế

16:28' - 07/01/2022
BNEWS Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đặt mục tiêu sản xuất khoảng 22 triệu tấn clinker, tăng 2,6% so với thực hiện năm 2021 và vượt khoảng 16% so với công suất thiết kế.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 diễn ra ngày 7/1 tại Nhà máy Xi măng Hoàng Mai (Nghệ An), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đặt mục tiêu sản xuất khoảng 22 triệu tấn clinker, tăng 2,6% so với thực hiện năm 2021 và vượt khoảng 16% so với công suất thiết kế.

Năm 2022, VICEM dự kiến tổng sản phẩm tiêu thụ trên 30 triệu tấn, tăng hơn 3% so với thực hiện năm 2021; tổng doanh thu khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10%; lợi nhuận trước thuế phấn đấu không thấp hơn năm 2021 và nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng. Cùng đó, tiền lương bình quân của người lao động năm 2022 phấn đấu tăng 5% so với năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh nhận định, thị trường xi măng trong nước năm 2022 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm. Các địa phương cần có thời gian và giải pháp để khôi phục dần kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.

Nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao với nguồn cung năm 2022 dự kiến đạt 107 triệu tấn. Trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến từ 63 - 64 triệu tấn, dẫn đến cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các thương hiệu xi măng trong nước.

Tổng giám đốc Lê Nam Khánh chỉ rõ, sự mất cân đối "cung - cầu" cục bộ giữa các vùng miền trong nước làm phát sinh chi phí logistics, không ổn định nguồn cung do phụ thuộc vào thời tiết. Hàng năm cần phải điều chuyển khoảng hơn 10 triệu tấn xi măng từ các nhà máy xi măng khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ vào khu vực Tây Nguyên và miền Nam.

Cùng đó, thị trường xuất khẩu xi măng dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại; giá cước vận chuyển còn cao...

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tiếp tục làm giảm lợi thế về giá trị thương hiệu xi măng VICEM, dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể, giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt chi phí năng lượng (than, dầu...) dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.

Do đó, để đạt các mục tiêu đề ra cho năm 2022, VICEM sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm trong sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng.

Theo Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh, năm 2022, doanh nghiệp sẽ tăng cường theo dõi, giám sát, vận hành và duy trì thiết bị hoạt động ổn định, dài ngày, an toàn và đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết giảm các tiêu hao. VICEM sẽ chủ động xây dựng các kịch bản, linh hoạt điều hành, cân đối năng lực sản xuất, tiêu thụ nhằm hạn chế đổ clinker ra bãi, tối ưu hiệu quả trong sản xuất.

VICEM xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sửa chữa lớn các dây chuyền, thiết bị; trong đó, ưu tiên sử dụng vật tư, phụ tùng trong nước sản xuất nhằm tiết giảm chi phí. Doanh nghiệp còn tăng cường bảo dưỡng, bảo trì và duy trì thiết bị luôn ở trạng thái tốt nhất, sẵn sàng khai thác tối đa năng lực thiết bị đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, quản lý, đánh giá đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, VICEM còn chú trọng phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại các dây chuyền sản xuất xi măng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị.

Để phục vụ sản suất, năm 2022, VICEM chủ động đảm bảo nguồn cung than cho các dây chuyền hoạt động liên tục và tăng cường sử dụng các loại nhiên liệu thay thế khác tại những đơn vị có tiềm năng và lợi thế.

Theo Tổng giám đốc Lê Nam Khánh, hiện năng lực sản xuất của cả hệ thống VICEM được nâng cao thông qua các chương trình tối ưu hóa sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cải tiến thiết bị; tập trung đầu tư chiều sâu trong sản xuất clinker xi măng để nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm; giảm tiêu hao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đặc biệt, VICEM tiếp tục triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng chất thải từ các ngành công, nông nghiệp khác (bùn thải, rác thải), tro, xỉ, thạch cao nhân tạo... để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên không tái tạo (đá vôi, sét, than...) nhằm giảm giá thành sản xuất; đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường.

Riêng về hệ thống tiêu thụ, Tổng giám đốc Lê Nam Khánh yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tiếp tục rà soát, sắp xếp lại thị trường tiêu thụ, hoàn thiện hệ thống phân phối tại mọi địa bàn nhằm phát huy hết năng lực sản xuất của các nhà máy, tối ưu hóa hoạt động logistics, lợi thế về thương hiệu. Từ đó, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và tăng thị phần của VICEM.

Việc tiêu thụ xi măng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng được đẩy mạnh theo phương án đã phê duyệt; trong đó, chú trọng giải pháp đảm bảo nguồn cung và tối ưu hóa logistics.

Bên cạnh đó, VICEM tiếp tục hoàn thiện chiến lược kinh doanh xi măng rời có lộ trình phù hợp với xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời; thực hiện gia công xi măng nội bộ để đảm bảo lợi ích chung của hệ thống VICEM; thực hiện nghiêm kỷ cương phối hợp thị trường, kỷ cương trong gia công sản phẩm nội bộ.

Trong bối cảnh thị trường nội địa có nhiều khó khăn, VICEM xác định tiếp tục thực hiện tốt xuất khẩu để hỗ trợ thị trường trong nước, góp phần cải thiện hiệu quả kinh doanh và từng bước nâng cao thương hiệu VICEM trên thị trường khu vực và thế giới.

Tại sự kiện này, các đơn vị thành viên trong đại gia đình VICEM đã cùng thực hiện lễ ký cam kết phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2022 và quý I của năm nay./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục