Vicem lý giải câu chuyện thua lỗ và nợ thuế

16:40' - 03/04/2017
BNEWS Tổng Giám đốc Vicem Trần Việt Thắng lý giải về thông tin Vicem - “anh cả” ngành xi măng thua lỗ và nợ thuế đã ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và gây lo lắng cho người lao động trong ngành.
Ông Trần Việt Thắng - Tổng giám đốc Vicem. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đang nắm giữ gần 36% thị phần tiêu thụ nội địa xi măng trong nước. Ở một lĩnh vực sản xuất đặc thù riêng, Vicem đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thông tin Vicem - “anh cả” ngành xi măng thua lỗ và nợ thuế đã ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và gây lo lắng cho người lao động trong ngành. Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Thắng - Tổng Giám đốc Vicem xung quanh vấn đề này.

BNEWS: Là “anh cả” trong ngành sản xuất rất quan trọng nhưng thời gian gần đây Vicem đang chịu tiếng làm ăn thua lỗ và nợ thuế. Với vai trò Tổng giám đốc, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Việt Thắng: Tôi có thể khẳng định Vicem chưa bao giờ thua lỗ, kể cả trước và sau khi tôi làm Tổng giám đốc. Dẫn chứng các con số gần đây sẽ thấy, năm 2014 lợi nhuận hợp nhất của Vicem khoảng 1.500 tỷ đồng và năm 2015 lãi khoảng 2.700 tỷ đồng.

Năm 2016 thực hiện kiểm toán độc lập do đơn vị kiểm toán quốc tế làm thì cũng không lỗ và lãi khoảng gần 3.500 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, cứ định kỳ 2 năm thì Vicem lại được kiểm toán một lần và do Kiểm toán nhà nước thực hiện, mọi sự đều rất minh bạch.

Tuy nhiên về thông tin Vicem nợ thuế mấy trăm tỷ đồng thì cần phải được hiểu đúng bản chất sự việc. Thông thường, khoản thuế cuối năm theo ngân sách được kế toán cho phép nợ.

Nợ thuế để sau khi kết thúc kiểm toán, điều chỉnh và thực hiện. Theo quy định, thời gian phải thực hiện nộp khoản thuế này là 90 ngày, tức là so với thời điểm kết thúc của năm thì hạn nộp thuế cuối cùng phải là 31/3. Thực chất, khoản nợ này trong phạm vi cho phép theo quy định. 

Vận chuyển xi măng ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Khi thanh tra vào làm việc với Vicem thì chốt con số ghi nhận ở thời điểm 31/12/2015. Lúc đó, Vicem chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế bởi luật cho phép tới 31/3 mới là hạn chốt. Điều này là hợp lý.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra, tại thời điểm 31/12/2015 có 20 Công ty còn nợ ngân sách nhà nước (NSNN) với tổng số tiền là 327,462 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 31/3/2016, Công ty mẹ và 18 Công ty thành viên đã nộp ngân sách 326,891 tỷ đồng. Còn duy nhất Công ty xi măng Hà Tiên 1 thì đến ngày 7/10/2016 cũng đã nộp đủ số tiền thuế thu nhập cá nhân là 0,570 tỷ đồng. Như vậy, 20 Công ty đã khắc phục, nộp đủ số tiền nêu trên vào NSNN.

BNEWS: Vậy còn khoản công nợ phải thu hồi lên tới gần một nghìn tỷ đồng được nêu trong nội dung thanh tra thì sao, thưa ông?

Ông Trần Việt Thắng: Mỗi năm Vicem có doanh thu trên 30 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận hơn 3.500 tỷ đồng. Với mức doanh thu như vậy, con số nợ này chỉ bằng 5-6% doanh thu thôi. Câu chuyện nợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, công ty cung cấp vật tư hay nhà phân phối... cũng diễn ra phổ biến không chỉ với mặt hàng xi măng mà với cả nhiều lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng khác.

Thực tế là việc tiêu thụ xi măng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Xi măng Việt Nam đang dư thừa công suất với con số ước tính 25 triệu tấn/năm. Bởi vậy, để bán được hàng, các đơn vị phải cạnh tranh lẫn nhau rất gay gắt. Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định, không cho nợ thì khó bán được hàng.

Phân phối xi măng cũng có những đặc thù riêng. Khách hàng mua xi măng là phải thông qua nhà phân phối. Khi có khách mua hàng, nhà phân phối sẽ nhập hàng của các đơn vị sản xuất để bán cho các công trình đó.

Theo quy định ở Việt Nam, sau 28 ngày mới đủ điều kiện nghiệm thu kết dính, rồi còn phải trải qua hàng loạt các thủ tục khác rồi mới trả tiền. Bản thân các bên liên quan phải nợ quay vòng lẫn nhau, đây cũng là chuyện hết sức bình thường.

Khi bán cho khách hàng có nợ đều phải có bảo lãnh, thế chấp mới được nợ. Bên cạnh đó, ngay trong hệ thống cũng có các khoản nợ nội bộ. Có thể dẫn chứng đơn giản nhất là việc các công ty xi măng mua vỏ bao, than, thạch cao của nhà cung cấp trong hệ thống hay đơn vị sản xuất lại có nhu cầu gia công tại các nhà máy khác để phù hợp với đơn hàng và vận chuyển...

Tất cả những khoản này được gọi là công nợ trả dần. Tuy nhiên, qua kiểm tra rà soát, tính đến thời điểm ngày 15/3/2017, số công nợ phải thu của Vicem chỉ còn khoảng 250 tỷ đồng.

BNEWS: Hoạt động của hệ thống Vicem như ông dẫn chứng là doanh thu vẫn tăng và lãi năm sau cao hơn năm trước. Vậy việc quản lý phần vốn nhà nước tại một số đơn vị thành viên ra sao, có hay không tin đồn Vicem để “mất vốn” nhà nước?

Ông Trần Việt Thắng: Thông tin này nhắm đến Công ty thương mại xi măng. Khởi điểm, đơn vị này có vốn nhà nước là 60 tỷ đồng nhưng thời điểm năm 2016 có vốn chủ sở hữu tăng thành 98 tỷ đồng. Thậm chí, nó có lợi nhuận, tích lũy đầu tư trở lại còn cao hơn vốn điều lệ.

Tuy nhiên, Công ty này cũng có khoản nợ khoảng 30 tỷ đồng được xếp vào loại nợ khó đòi nhưng đều đã được trích dự phòng. Tức là trong số 98 tỷ đồng là đã có trích dự phòng. Mất vốn nhà nước là vấn đề rất nghiêm trọng nên không thể quy kết bừa bãi. Bản chất của nguồn vốn cần được phân tích rõ ràng. Đó là cái thặng dư vốn điều lệ và đã trích dự phòng rồi thì không thể nói là đánh mất vốn nhà nước tại đơn vị này.

Hai năm vừa qua, đơn vị này được “sốc” lại hoạt động, lãi mấy chục tỷ đồng, có trích dự phòng và thặng dư lên 98 tỷ đồng, làm ăn rất hiệu quả. Mỗi năm công ty này bán hàng triệu tấn sản phẩm, thậm chí, tại Hà Nội hiện nay không còn hàng để bán...

Thực ra, vốn nhà nước sở hữu tại đơn vị này trên 50% và được hưởng chênh lệch tương ứng. Trong số 60 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu, Nhà nước có hơn 30 tỷ đồng. Nay vốn đã tăng thành 98 tỷ đồng thì nên được ghi nhận. Có những giai đoạn doanh nghiệp làm ăn khó khăn nhưng đơn vị đã nỗ lực giải quyết và thể hiện ngay bằng chính con số lợi nhuận thì cũng nên ghi nhận theo xu hướng đi lên đó.

BNEWS: Những thông tin dồn dập liên quan đến Vicem vừa qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng vào cuộc giải trình trước Chính phủ. Là người trong cuộc, ông có thể chia sẻ điều gì?

Ông Trần Việt Thắng: Nếu chỉ nhìn vào những con số ở một thời điểm nhất định và không có sự phân tích một cách chính xác, khách quan theo các quy định cũng như tổng thể vấn đề thì dễ dẫn đến sự hiểu lầm. Điều này ảnh hưởng nhiều đến uy tín của doanh nghiệp, nhất là tâm lý người lao động.

Hiện các đơn vị trong hệ thống Vicem đang rất nỗ lực để tăng tiêu thụ nội địa, nhất là khi thị trường trong nước dư công suất lớn mà bài toán xuất khẩu lại đang rơi vào thế khó.

Trước đây, Vicem có 25 thành viên thì vẫn còn 2 đơn vị thua lỗ nhưng đến nay tất cả đều làm ăn có lãi. Đây mới chính là kết quả đánh giá cuối cùng về những nỗ lực của Vicem trong thời gian qua./.

BNEWS: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục