Việt Nam - Ấn Độ bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông, thuỷ sản

14:48' - 18/02/2020
BNEWS Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Bộ Công Thương Ấn Độ hỗ trợ xúc tiến và tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và cá basa.

Nhằm trao đổi các biện pháp tháo gỡ cho xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, mới đây Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã gặp song phương với Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ Anup Wadhawan để thúc đẩy hợp tác thương mại song phương giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản.

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu sang thăm và làm việc với Bộ Công Thương Ấn Độ nhằm tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu. Ảnh: nguồn Bộ Công Thương

Theo nhận định của hai bên, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, đạt 11,3 tỷ USD năm 2019 nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và sức mua lớn của hai thị trường (Việt Nam gần 100 triệu dân, Ấn Độ gần 1,4 tỷ dân), hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa tăng cường kim ngạch thương mại song phương thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước.

Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã giới thiệu chất lượng, lợi thế và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là trái thanh long và cá basa. Cụ thể, thanh long là trái cây duy nhất của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào Ấn Độ. Đối với các loại thủy sản, đến nay, mới chỉ có cá basa của Việt Nam là có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Các sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chuẩn, có chất lượng tốt, an toàn. Tuy nhiên, do dịch bệnh tại Trung Quốc bùng phát, việc tiêu thụ các mặt hàng này của Việt Nam đang gặp khó khăn.

Vì vậy, Thứ trưởng đã đề nghị Bộ Công Thương Ấn Độ hỗ trợ xúc tiến, quảng bá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ biết và tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và cá basa nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đã thông báo cho Thứ trưởng Anup Wadhawan biết nội dung các buổi làm việc và tọa đàm giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ và các chuỗi siêu thị bán lẻ.

Kết quả các buổi làm việc và tọa đàm cho thấy Việt Nam và Ấn Độ cùng đánh giá cao thị trường và các mặt hàng xuất khẩu của nhau.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao chất lượng, hương vị của các mặt hàng trái cây của Việt Nam như thanh long, vải và mong muốn có nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho thanh long tại thị trường Ấn Độ, mong muốn Việt Nam sớm xin cấp phép nhập khẩu quả vải vào Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chia sẻ năm 2020 sẽ là năm Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm 48 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2020 cũng là năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN.

Rất nhiều cuộc họp với các nước trong khu vực và thế giới được tổ chức tại Việt Nam cũng như nhiều sự kiện gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng như các nước đối tác bên lề các cuộc họp.

Thứ trưởng đã đề nghị Bộ Công Thương hai nước phối hợp tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam kết nối giao thương để vừa chào mừng kỷ niệm 48 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ vừa kết nối với doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước ASEAN khác.

Cuối cùng, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã nhắc đến mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra và đề nghị hai bên cần nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu này.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam sang làm việc tại Ấn Độ. Ảnh: nguồn Bộ Công Thương

Một trong những biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD là Ấn Độ cần sớm gỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hạt tiêu, điều (áp giá sàn nhập khẩu) và hương nhang của Việt Nam (cấp phép nhập khẩu).

Vì quan hệ hữu nghị giữa hai nước và vì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai bên, Việt Nam chưa sử dụng các biện pháp phản đối mạnh mẽ hơn mà mới chỉ dừng lại việc trao đổi song phương.

Do đó, Phía Việt Nam đề nghị Ấn Độ sớm giải quyết các vấn đề này, nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển thương mại, kinh tế giữa hai nước.

Riêng đối với vụ việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang, do tác động trực tiếp, ngay lập tức tới các doanh nghiệp, đời sống của rất nhiều hộ dân nghèo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết phía Việt Nam đã thực hiện rất nhiều các biện pháp để yêu cầu phía Ấn Độ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đến hiện tại, Ấn Độ mới chỉ đồng ý cho thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu hương nhang đã mở L/C trước ngày 31/8/2019.

Do doanh nghiệp hương nhang hai bên đã có quan hệ kinh doanh từ trước, làm ăn trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau và không đặt cọc hay mở L/C trước, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị phía Ấn Độ cho thực hiện các hợp đồng ký trước thời điểm 31/8/2019 theo bảng thống kê đã gửi sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội mà không cần yêu cầu có L/C hay hình thức đặt cọc khác.

Thứ trưởng Anup Wadhawan nhất trí với tất cả các ý kiến của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng về việc tăng cường xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của mỗi nước, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn doanh nghiệp, nhất là trong năm 2020 – năm kỷ niệm 48 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ và cũng là năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN.

Bên cạnh các mặt hàng như thanh long, cá basa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ cho rằng Việt Nam còn có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều mặt hàng khác nữa.

Đối với quan ngại của Việt Nam về biện pháp áp giá sàn nhập khẩu đối với tiêu, điều, Thứ trưởng Ấn Độ giải thích trong 3 tiêu chí để áp dụng biện pháp giá sàn nhập khẩu thì Việt Nam đều được loại trừ và vì vậy không bị ảnh hưởng bởi biện pháp này.

Đối với hương nhang, Thứ trưởng Ấn Độ cho rằng đã ban hành hướng dẫn cụ thể đối với các mặt hàng thuộc diện hạn chế nhập khẩu như hương nhang, đề nghị Việt Nam trao đổi với các nhà nhập khẩu Ấn Độ để có hướng xử lý sớm.

Tại cuộc gặp lần này, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã trao cho phía Ấn Độ dự thảo Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại và đề nghị cơ quan chức năng hai nước phối hợp chặt chẽ để đàm phán và tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) này trong thời gian sớm nhất của năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục