Việt Nam cần chủ động trước cơ hội và thách thức từ CPTPP
Là một nước thành viên tham gia đàm phán và ký kết, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt cơ hội, song cũng đối mặt với không ít thách thức từ CPTPP.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận và tận dụng triệt cơ các cơ hội, biến cơ hội thành lợi ích, đồng thời tìm ra giải pháp hữu hiệu để "hóa giải" các thách thức. Có như thế, CPTPP mới đem lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cơ hội phía trước
Là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, CPTPP đem lại lợi ích cụ thể cho Việt Nam cả về chính trị-đối ngoại lẫn kinh tế, xã hội.
Trước hết, tham gia CPTPP sẽ giúp tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam cả ở khu vực và quốc tế bởi đây là minh chứng cụ thể, là bước tiến mới trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam.
Tham gia hiệp định sẽ củng cố thêm sức mạnh kinh tế cho Việt Nam thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nếu chỉ tính riêng về triển vọng kinh tế, Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác.
Theo Tiến sĩ Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư (đơn vị trực tiếp thực hiện đánh giá tác động của CPTPP), CPTPP có thể giúp GDP của nước ta tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD và có thể tăng tới 2,01% nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ.
Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico..., cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD).
Mặt khác, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua CPTPP giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn.
Cùng với đó là cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bởi nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày, đánh bắt cá gia tăng... sẽ dẫn tới việc mở rộng các ngành sản xuất nội địa, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia đối với nhiều ngành nghề.
Từ đó, cấu trúc kinh tế của Việt Nam cũng phải được điều chỉnh toàn diện. Xuất khẩu và đầu tư cũng có vai trò quyết định trong tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phần quan trọng khác chính là việc giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước để vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện và triệt để, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bởi khi tham gia, Việt Nam sẽ phải đưa ra những cam kết rõ ràng hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, CPTPP sẽ thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng cân bằng hơn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Ngoài ra, CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Thách thức không nhỏ
Đánh giá về các thách thức của CPTPP với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các chuyên gia kinh tế nhận định văn kiện này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...
Hiệp định này còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tất cả tạo ra sức ép to lớn trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, Việt Nam có trình độ phát triển được xem là thấp nhất trong các thành viên CPTPP.
Những tác động tiêu cực từ những yêu cầu phải mở cửa thị trường mua sắm công, thuế nhập khẩu hay thiếu chiến lược đầu tư hiệu quả... có thể khiến cho lợi ích tổng thể của nền kinh tế bị suy giảm.
Trong khi đó, quá trình cải cách thể chế trong nước chậm chạp có thể không bắt kịp với tiến trình chuyển đổi nhanh chóng khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập trong CPTPP, cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà TPP mang lại.
Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Trong bối cảnh khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém thì nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho rằng áp lực cạnh tranh ở đây không chỉ có doanh nghiệp mà cả khu vực quản lý nhà nước, gồm cả thể chế và con người.
Ông Trường ví von doanh nghiệp là 1 cỗ xe, còn toàn bộ thể chế chính là con đường. Theo ông, "con đường nhỏ, gập ghềnh thì có mua Rolls Royce cũng chỉ chạy ngang bằng Matiz thôi. Nhưng ngay cả khi pháp chế tốt rồi mà người vận hành không tốt, con đường dày đặc barie thì doanh nghiệp sẽ mua Matiz chứ không mua Rolls Royce".
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận sau khi đàm phán thành công và ký kết, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa. Theo ông, đây sẽ là thời điểm cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế, là những thứ mà Việt Nam còn "yếu và thiếu", do vậy vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo chuyên gia này, vấn đề mấu chốt là phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi để tuân thủ và năng lực vận hành để đáp ứng các điều kiện khắt khe, đòi hỏi rất cao của một hiệp định được coi là tiến bộ nhất.
Ông cho rằng đây là vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng doanh nghiệp. Đó là khối lượng công việc rất lớn và phức tạp, với những chất lượng rất mới. Nghĩa là phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội”.
Hướng đi của doanh nghiệp
Để tận dụng được các lợi ích và khắc phục những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số giải pháp. Trước hết cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.
Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu./.
- Từ khóa :
- cptpp
- kinh tế việt nam
- đàm phán cptpp
- lễ ký kết cptpp
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết tại Chile
02:35' - 09/03/2018
Lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet.
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội nhiều, thách thức cũng rất lớn của CPTPP
19:01' - 08/03/2018
Cơ hội rất nhiều song các nước thành viên CPTPP cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức sau khi hiệp định có hiệu lực.
-
Kinh tế Việt Nam
CPTPP - cơ hội cho phát triển kinh tế và thương mại tự do
15:07' - 08/03/2018
Dự kiến vào rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam), 11 nước sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile.
-
Kinh tế Thế giới
CPTPP thúc đẩy giao thương và tạo cầu nối cho hội nhập khu vực
07:22' - 08/03/2018
CPTPP ra đời được coi là một bước tiến lớn, tạo cầu nối hội nhập cho các nền kinh tế ở hai bên bờ Thái Bình dương.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
20:42' - 25/11/2024
Chiều tối 25/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
20:41' - 25/11/2024
Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
-
Kinh tế Việt Nam
Phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai
20:27' - 25/11/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 128/QĐ-TCT ngày 25/11/2024 về phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ericsson
19:46' - 25/11/2024
Chiều 25/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Borje Ekholm, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgari Rumen Radev
19:40' - 25/11/2024
Chiều 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ cho hoạt động quảng cáo trên mạng internet
19:18' - 25/11/2024
Chiều 25/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
17:52' - 25/11/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
-
Kinh tế Việt Nam
Quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam
17:41' - 25/11/2024
Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tại các làng nghề trong cả nước đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống, góp phần quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Điều chỉnh quy định chữa bệnh thông tuyến trong khám bảo hiểm y tế
17:24' - 25/11/2024
Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.