CPTPP thúc đẩy giao thương và tạo cầu nối cho hội nhập khu vực

07:22' - 08/03/2018
BNEWS CPTPP ra đời được coi là một bước tiến lớn, tạo cầu nối hội nhập cho các nền kinh tế ở hai bên bờ Thái Bình dương.
Ông Kazuyoshi Umemoto (giữa), trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản về CPTPP. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo kế hoạch, các bộ trưởng 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - "tiền thân" là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - sẽ ký kết CPTPP tại Chile vào ngày 8/3 để hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Cách đây đúng một năm, vào tháng 3/2017, trong khuôn khổ cuộc đối thoại cấp cao do Chile đăng cai tổ chức ở thành phố Viña del Mar, 11 nền kinh tế còn lại tham gia ký TPP đã thảo luận những bước đi đầu tiên nhằm “cứu” thỏa thuận tự do thương mại được coi là đầy tham vọng này sau khi Mỹ rút lui.

Với nỗ lực và quyết tâm rất lớn, 11 nước đã sát cánh để giải quyết những tồn tại, mở đường cho sự ra đời của một thỏa thuận mới với tên gọi CPTPP, dự kiến được chính thức ký kết tại thủ đô Santiago de Chile (Chile) vào ngày 8/3.

Trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới những năm gần đây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc CPTPP ra đời được coi là một bước tiến lớn, tạo cầu nối hội nhập cho các nền kinh tế ở hai bên bờ Thái Bình dương, đồng thời giúp vượt qua những thách thức của chủ nghĩa bảo hộ.

Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz từng tuyên bố thỏa thuận này sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, và tăng cường hợp tác giữa các nước trong khối.

Mười một nền kinh tế tham gia CPTPP - là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - chiếm khoảng 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Nếu Mỹ tham gia CPTPP thì 12 nước tham gia hiệp định sẽ chiếm tới 40% GDP của thế giới.

Ngày 23/1/2018, các nước tham gia đã nhất trí về nội dung sửa đổi hiệp định. Ngày 21/2, toàn văn CPTPP đã được công bố, động thái được đánh giá là tín hiệu cho thấy 11 nước đã sẵn sàng đặt bút ký CPTPP tại Chile vào ngày 8/3.

Các nhà lãnh đạo của 11 nước tham gia đàm phán CPTPP đều bày tỏ quyết tâm thúc đẩy tự do thương mại, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và đem lại lợi ích không chỉ của các nước tham gia, mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới.

Sự ra đời của một hiệp định tự do thương mại mang tính bao trùm như CPTPP chứng tỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang đi đầu trong liên kết và hội nhập kinh tế.

Điều đó cũng cho thấy trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, một hệ thống thương mại đa phương tự do trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi sẽ là giải pháp hữu hiệu đưa các nền kinh tế vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng, giúp ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức kinh tế, môi trường và xã hội trong thế kỷ 21, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

CPTPP được hoàn tất thể hiện quyết tâm của tất cả 11 nước tham gia đàm phán nhằm hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước, không chỉ nhắm tới các vấn đề thương mại và thị trường, mà cả vấn đề pháp lý và thể chế, đòi hỏi cải cách, đổi mới trong quan điểm về thương mại, cũng như vấn đề pháp lý và hành chính, vì thế cũng sẽ là cơ hội và động lực tích cực cho sự phát triển, cả về kinh tế và xã hội.

CPTPP đặt ra các tiêu chuẩn cao trong nhiều lĩnh vực, như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, tài sản trí tuệ, kinh tế số và an ninh mạng.., được đánh giá có thể tạo ra một tiêu chuẩn cơ bản cho các thỏa thuận thương mại trong thế kỷ 21.

So với phiên bản gốc TPP, nội dung CPTPP về cơ bản vẫn giữ các tiêu chuẩn cao, tính cân bằng và chặt chẽ. CPTPP chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản, trong đó có những điều khoản nhạy cảm liên quan vấn đề sở hữu trí tuệ, được coi là giải pháp thỏa hiệp giúp khai thông bế tắc trong đàm phán và bảo đảm hiệp định sớm được triển khai.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho rằng CPTPP đang trở nên ngày một quan trọng và cho hay CPTPP có thể sẽ có hiệu lực vào nửa đầu năm 2019.

Theo giới chuyên gia, CPTPP vừa là một đối sách kinh tế cân bằng ảnh hưởng đang đi lên của một nước xuất khẩu hàng đầu châu lục, vừa là “toa thuốc” đối với chính sách bảo hộ thương mại. Năm 2016, trao đổi thương mại giữa 11 nước tham gia CPTPP lên đến 356 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục