Việt Nam chủ động các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính

14:23' - 19/09/2018
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Việt Nam chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal nhằm bảo vệ tầng ô-dôn.

Đánh giá về việc hưởng ứng Ngày quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn năm 2018 với chủ đề “Giữ cho hành tinh luôn mát lành, nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn và khí hậu của chúng ta”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, Việt Nam chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal nhằm bảo vệ tầng ô-dôn.

Đặc biệt là chủ động thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC…) đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiệt độ của Trái Đất,

Theo đó, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ô-dôn và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp từ ngày 1/1/2015. Qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Hiện Việt Nam đang triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở. Riêng đối với chất Methyl Bromide đã được cấm sử dụng cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu ở Việt Nam kể từ ngày 1/1/2015.

Cuộc họp lần thứ 28 của các Bên tham gia Nghị định thư Montreal ở Kigali, Ruanda vào tháng 10/2016 đã thông qua Sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC của Nghị định thư Montreal vì các chất HFC tuy không phá hủy tầng ô-dôn nhưng là các khí nhà kính có tiềm năng làm nóng lên trên toàn cầu rất cao.

Đến nay đã có 44 quốc gia phê chuẩn và đủ điều kiện để Sửa đổi, bổ sung Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Theo nội dung Bản sửa đổi, bổ sung Nghị định, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam sẽ bắt đầu loại trừ các chất HFC từ năm 2029 và chỉ còn 20% lượng tiêu thụ ở mức cơ sở được sử dụng từ năm 2045 trở đi.

Đề cập về kết quả thực hiện giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thanh Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học - xã hội Việt Nam cho rằng, trong 63 tỉnh, thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm phát triển kinh tế lớn trên cả nước, với tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh nên đang phải đối mặt với những thách thức từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế.

Theo báo cáo về giám sát phát thải khí nhà kính của Thành phố Hồ Chí Minh do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố, lượng khí thải trong năm 2013 khoảng 38,5 triệu tấn CO2, chiếm 16% lượng phát thải quốc gia, trong khi dân số chỉ khoảng 9% dân số cả nước.

Trong đó, 46% lượng khí nhà kính phát thải từ việc sử dụng năng lượng tại các tòa nhà (dân cư, thương mại, hành chính), sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động giao thông chiếm 45%; chất thải chiếm 6%; 3 % còn lại là từ các lĩnh vực khác.

Lượng phát thải khí nhà kính của Thành phố được xếp vào nhóm cao nhất trên thế giới.

Để thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời từng bước kiểm soát khí nhà kính, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang khuyến khích thực hiện các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ, giải pháp sạch, thân thiện với môi trường…

Điển hình là Chương trình hợp tác Phát triển thành phố phát thải các bon thấp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Osaka (Nhật Bản), thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tháng 10/2013, hai thành phố ký kết Biên bản ghi nhớ hướng đến việc phát triển đô thị có các bon thấp. Năm 2015, thành phố Osaka đã triển khai 2 dự án hỗ trợ trang thiết bị (JCM) cho Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể: Dự án Tiết kiệm năng lượng trong nhà máy bằng cách sử dụng hệ thống kiểm soát điều hòa không khí (triển khai tại 6 công ty con của Tổng công ty Nidec Corporation từ năm 2017), với mục tiêu giảm lượng phát thải 4.681 tCO2/năm; Dự án Sử dụng năng lượng mặt trời tại trung tâm mua sắm TP. Hồ Chí Minh (được triển khai từ năm 2016 tại công ty Aeon Việt Nam), với mục tiêu giảm lượng phát thải 274 tCO2/năm.

Nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động giao thông, năm 2017 Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư các phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, với khoảng 841 xe sử dụng khí thiên nhiên (CNG), hoạt động trên 39 tuyến xe buýt có trợ giá.

Các xe buýt này được nạp nhiên liệu (khí CNG) tại 4 trạm do Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam cung cấp (gồm: Bãi xe buýt Phổ Quang, Bến xe buýt Đại học Quốc gia, Bến xe An Sương và trạm Tân Kiên), với số lượng là 256 xe/380 xe và giá cung cấp bằng 60% so với giá dầu DO.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, Công ty đã xây dựng 9 vị trí trạm nạp nhiên liệu CNG (tại các bến xe buýt: Công viên 23/9, Chợ Lớn, Tân Phú, Miền Đông, Miền Tây, Ngã 4 Ga, Hợp tác xã 19/5, Củ Chi và Ga hành khách quận 8) và mở rộng 4 trạm nạp nhiên liệu CNG hiện có.

Phát huy kết quả của Dự án, năm 2018 JICA sẽ hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai giai đoạn mở rộng Dự án hợp tác kỹ thuật Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp với điều kiện quốc gia, theo phương thức giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV) (Dự án SPI-NAMA).

Trong giai đoạn 2015 - 2017, Dự án SPI-NAMA đã nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực giám sát phát thải khí phát thải của Thành phố.

Đồng thời xây dựng xây dựng Hướng dẫn quy trình quản lý và kiểm kê khí nhà kính tổng hợp, qua đó giúp thành phố Hồ Chí Minh cũng như các thành phố khác trong cả nước thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính.

Nhằm đóng góp vào Chương trình giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng và triển khai các dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong 10 lĩnh vực.

Bao gồm quy hoạch đô thị; năng lượng; giao thông vận tải; công nghiệp; quản lý nước; quản lý chất thải; xây dựng; y tế; nông nghiệp; du lịch. Việc kiểm kê khí nhà kính đã giúp định lượng cụ thể các nguồn gây phát thải và dự báo được lượng phát thải trong thời gian tới của Thành phố.

Qua đó, các cơ quan quản lý xác định được các khu vực cần giảm phát thải khí nhà kính. Thành phố cũng sẽ ban hành quy định về quản lý các hoạt động giảm phát thải, kể cả đối với các hoạt động không thuộc danh mục chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 – 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục