Việt Nam có nguy cơ thành “bãi rác thải công nghiệp”

17:21' - 22/08/2018
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so cả năm 2017 với mức hơn bốn triệu tấn phế liệu các loại.
Hàng ngàn container phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam và tồn đọng tại các cảng biển. Ảnh: Dương Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Hàng ngàn container phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam và tồn đọng tại các cảng biển. Không chỉ gây ách tắc cảng biển, các container này đang biến Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác thải công nghiệp” của thế giới.

Theo Tổng cục Hải quan, số lượng phế liệu nhập khẩu (giấy, nhựa, thép…) năm 2017 ở mức 6.500 nghìn tấn tăng gấp hơn hai lần so khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016; trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200% đến 400% so tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2016.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so cả năm 2017 với mức hơn bốn triệu tấn phế liệu các loại.

Chỉ riêng tại Cảng Cát Lát (Thành phố Hồ Chí Minh), tính đến ngày 10/8, số lượng container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại bãi là hơn 3.500 container, trong đó từ 30 – 90 ngày là 555 container, quá 90 ngày là hơn 2.500 container. Đây được xem khu vực tồn đọng phế liệu nghiêm trọng nhất.

Tại Hải Phòng, cũng đã có hơn 1.000 container phế liệu nhập khẩu đang ứ đọng ở các cảng biển, trong đó 2/3 số container đã quá 90 ngày mà chủ hàng chưa đến làm thủ tục thông quan. Tại Cảng Đình Vũ từ đầu năm 2018 đến nay số lượng phế liệu nhập khẩu qua cảng đã tăng 150% so với cùng kỳ của năm 2017.

Theo quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất quy định việc cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do một trong hai đơn vị cấp, gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh/thành phố.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải thông báo với Tổ chức chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định để kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu nhập và xác nhận phế liệu đủ điều kiện nhập khấu.

Theo ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 thì đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các container phế liệu tồn đọng nhiều tại cảng.

Nhiều nhà nhập khẩu nhập phế liệu chưa được cấp giấp phép hoặc giấy phép hết hạn nhưng vẫn liên hệ với các hãng tàu dùng danh nghĩa, giấy phép nhập khẩu của doanh nghiệp khác để đóng hàng về Việt Nam dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến cảng nhưng việc xác định chủ hàng không chính xác tuyệt đối.

Đồng quan điểm này, ông Đàm Minh Nghiệp, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý về Hải quan (Cục Hải quan thành phố Hải Phòng) cũng cho biết, một trong những nguyên nhân tồn đọng phế liệu tại cảng Hải Phòng là chủ hàng không đến nhận do khách hàng nước ngoài không ký hợp đồng mua với khách hàng trong nước nhưng vẫn gửi, hoặc chủ hàng trong nước khi chuyển hàng về đến cảng Hải Phòng nhưng chưa có giấy xác nhận hoặc giấy xác nhận hết hạn, hay trường hợp chủ hãng vẫn nhận hàng nhưng chậm đến làm thủ tục nhận hàng dẫn đến tình trạng nằm quá 90 ngày.

Theo ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, từ đầu tháng 7/2018 đến nay cơ quan hải quan đã phát hiện 25 lô hàng không đạt điều kiện nhập khẩu, chủ yếu là mặt hàng liên quan đến phế liệu nhựa, giấy, sắt thép… Chủ hàng không có giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường để nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất; không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.

Cán bộ hải quan Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ kiểm tra container chứa hàng phế liệu. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Tại cảng Đình Vũ cũng đã phát hiện sai phạm trong khai báo phế liệu nhập khẩu của công ty Trường Thịnh. “Chúng tôi đã lập biên bản, xử phạt 26 triệu đồng và buộc tái xuất trong 30 ngày. Đến nay, quá 30 ngày, doanh nghiệp đã có văn bản xin gia hạn để thu xếp với hãng tàu và người bán hàng nhằm thực hiện việc tái xuất”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu Đình Vũ, Hải Phòng, cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết thêm, việc gia hạn không được quá 2 lần, và quá 90 ngày. Nếu quá 90 ngày sẽ áp dụng biện pháp tịch thu tiêu hủy vì đây là mặt hàng vi phạm môi trường.

Theo quy định, doanh nghiệp khi đã đến làm thủ tục khai hải quan và nhận quyết định xử phạt thì mọi chi phí tiêu hủy liên quan, doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Trong trường hợp, không xác định đc chủ sở hữa, quá 90 ngày thì hải quan thành lập hội đồng tiêu hủy và chi phí lúc đó sẽ lấy từ nguồn xử lý các vụ vi phạm và ngân sách Nhà nước.

Để tránh tình trạng ùn ứ các container tại các cảng, nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài đã được thực hiện. Tại cảng Cát Lái, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã có thông báo số 930 gửi đến các hãng tàu, khách hàng về việc ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu từ 10/6 đến 30/9/2018, riêng phế liệu giấy vẫn phải xuất trình giấy phép khi dỡ hàng và công văn cam kết thời gian vận chuyển cụ thể.

Với những container từ 90 ngày trở lên, phân loại phế liệu đưa ra khỏi danh sách thống kê để chuyển sang diện thanh lý hàng tồn kho tại cảng.

Dù chưa có quy định trách nhiệm thông báo giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Hải quan cửa khẩu nhưng ông Đàm Minh Nghiệp cho biết Hải quan Hải Phòng đã chủ động thông báo cho tất cả các sở tài nguyên và môi trường các địa phương về đầu mối liên hệ tại các chi cục hải quan của thành phố để các Sở Tài nguyên và Môi trường liên hệ gửi giấy thông báo.

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp trên cũng chỉ là tạm thời nhằm giảm ùn tắc hàng hóa tại các cảng chứ không phải là giải pháp lâu dài.

Theo ông Đàm Minh Nghiệp, muốn giải quyết căn cơ phải từ cơ quan chủ quản, cơ quan cấp phép. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên đưa ra giải pháp lâu dài. Mặt hàng phế liệu vẫn là nguyên liệu chính trong một số mặt hàng, do đó phải có chiến lược đánh giá tổng thể những mặt được và chưa được việc sử dụng từ đó tham mưu Chính phủ.

“ Việc xác định hàng hóa phế liệu đủ điều kiện nhập khẩu hay không đủ điều kiện nhập khẩu là trách nhiệm của Tổ chức chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm giám sát việc lấy mẫu, giám sát nguyên trạng hàng hóa, thông quan hàng hóa theo quy định”, ông Đàm Minh Nghiệp nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục