Việt Nam-Cộng hoà Áo: Nhiều dư địa trong hợp tác thương mại

09:30' - 22/07/2023
BNEWS Bộ Công Thương cho biết, Áo chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam thông qua các công ty đa quốc gia, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), công ty trung gian, nhất là thực phẩm, hàng gia dụng, dệt may và da giày.

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Cộng hoà Áo luôn duy trì quan hệ tốt đẹp và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Kể từ năm 2010 trở lại đây, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Áo với tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước.

 

Là thị trường nhỏ ở khu vực Trung Âu nhưng người dân Áo có thu nhập cao, doanh nghiệp năng động, linh hoạt trong marketing cũng như tiêu thụ sản phẩm mới.

Đây là thị trường có dư địa để doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng hóa sang thị trường EU. Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.

Thị trường tiềm năng

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Áo chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam thông qua các công ty đa quốc gia, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), công ty trung gian, nhất là với thực phẩm, hàng gia dụng, dệt may và da giày.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Áo, sản phẩm điện thoại di động và phụ tùng chiếm khoảng 85% giá trị, tiếp đến là dệt may và da giày và các sản phẩm máy móc, sắt thép khác.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Áo chủ yếu là máy móc, thiết bị chiếm khoảng 30 % tổng giá trị, tiếp đến sản phẩm dược phẩm, nguyên liệu dược.

Năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm Áo nhân dịp dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo đã góp phần nâng cao quan hệ nói chung giữa hai nước cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

Ngày 20/6/2022, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế và thương mại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số của Áo chủ trì đã diễn ra khóa họp lần thứ 10 tại Áo.

Hơn nữa, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực đóng vai trò là cầu nối và động lực thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung, Áo nói riêng.

Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Áo ở mức trên 2,79 tỷ USD, giảm 16,7% so với năm 2021. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Áo ở mức 2,45 tỷ USD, giảm 18,6%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Áo đạt 334 triệu USD, tăng 0,6%.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến kim ngạch giữa hai nước năm 2022 giảm, theo các chuyên gia thương mại chủ yếu do tình hình kinh tế chính trị toàn cầu có nhiều bất ổn.

Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu làm trầm trọng hơn tình trạng tăng giá năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất; gián đoạn thậm chí đứt gãy chuỗi logistics đã đẩy toàn bộ thị trường thế giới vào tình trạng lạm phát.

Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, tăng lãi suất và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 6 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Áo ở mức trên 1,48 tỷ USD giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu ở mức trên 1,27 tỷ USD, giảm 5,4%; nhập khẩu từ Áo trên 201 triệu USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ ra điểm hạn chế trong quan hệ hai nước, các chuyên gia cho hay, đây là nước không có biển, thị trường sâu trong nội địa, chi phí vận chuyển cao. Cùng với quy mô thị trường nhỏ nên Áo ít được doanh nghiệp Việt Nam chú ý đầu tư hay đặt trụ sở kinh doanh.

Hơn nữa, cộng đồng người Việt Nam ở Áo nhỏ, năng lực hạn chế, vì vậy khó hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại như một số nước châu Âu khác. Tại các cửa hàng bán thực phẩm châu Á, phần lớn là hàng Thái Lan và hàng Trung Quốc. Hàng Việt Nam chỉ cạnh tranh được nếu là sản phẩm đặc trưng như bánh đa nem, miến, bún khô hoặc nước mắm.

Phản ánh của doanh nghiệp và chủ cửa hàng cho thấy, nguyên nhân không cạnh tranh được là do mẫu mã kém hơn, giá cao và quan trọng hơn là thiếu hỗ trợ từ phía người bán.

Các hỗ trợ từ người bán theo thông lệ của châu Âu như trả chậm, thu hồi sản phẩm, bù khi sản phẩm có vấn đề, thưởng doanh số hầu như không có với hàng Việt Nam do không đảm bảo, ổn định về chất lượng, số lượng, quy cách.

Theo Ủy ban châu Âu, xung đột tại Ukraine và giá năng lượng cao đang làm chậm sự hồi phục và phát triển của kinh tế Áo giai đoạn hậu COVID-19 và tác động tiêu cực đến ngành xuất khẩu của nước này.

Thời gian qua, do lạm phát cao, nhất là giá năng lượng và điện nước, người dân Áo đã cắt giảm chi tiêu đáng kể. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc mua sắm sản phẩm không thiết yếu, qua đó phần nào sẽ giảm nhập khẩu của Áo trong năm 2022 cũng như ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến 20/6/2023, Áo đứng thứ 44 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 41 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 148 triệu USD. Các dự án về cơ bản thuộc các lĩnh vực lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn và bán lẻ; và sửa chữa ô tô, mô tô.

Bởi vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Áo sang Việt Nam kinh doanh và khảo sát cơ hội mở rộng hoạt động hoặc đầu tư trong giai đoạn hậu COVID-19 là hết sức cần thiết.

Nếu các hoạt động này diễn ra không hiệu quả sẽ dẫn đến việc một số doanh nghiệp Áo lựa chọn kinh doanh và đầu tư với thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Mở rộng hợp tác

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hoà Áo- Alexander Schallenberg, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao việc hợp tác trong lĩnh vực điện, năng lượng và thủy điện. Đặc biệt, Áo luôn là một trong những đối tác có kim ngạch thương mại lớn của Việt Nam trong khối EU.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác đa phương, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung và Áo nói riêng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp hai nước cần khai thác hiệu quả hơn nữa lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại; chủ động kết nối, trao đổi thông tin, nắm rõ nhu cầu và thị hiếu của thị trường đối tác, tham gia tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại của hai nước để kết nối giao thương hiệu quả, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và đầu tư cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam có những ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất tại Việt Nam, bao gồm các ngành nghề dệt – may, da – giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, sơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị doanh nghiệp Áo nghiên cứu chính sách ưu đãi trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tiếp tục đầu tư vào chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Qua đó mở rộng, phát triển doanh nghiệp hơn nữa, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam.

Để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang Áo, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp nên tìm hiểu nội dung cam kết, quy định trong Hiệp định EVFTA với mặt hàng xuất khẩu thuận lợi và khó khăn. Qua đó, có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn của EU và được hưởng ưu đãi từ hiệp định.

Bên cạnh đó, hiệp hội và doanh nghiệp cần chủ động theo dõi cập nhật thông tin, biến động thị trường để chào hàng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Đồng thời, tích cực tham gia sự kiện, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác bạn hàng.

Bộ Công Thương cũng lưu ý: việc Áo sở hữu nhiều công nghệ cao, hàng đầu thế giới có thể chuyển giao cho Việt Nam. Đến nay, Áo đã chuyển giao cho Việt Nam công nghệ xe cứu hỏa, đường sắt, y tế, quản lý không lưu và gần đây là ngành ô tô. Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Áo rất mạnh trong việc tiếp cận thị trường ngoài nước.

Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Áo sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ cao, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi năng lực kinh doanh và sáng tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục