Việt Nam - Hoa Kỳ chia sẻ về giải pháp tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu

22:18' - 21/07/2023
BNEWS Bên cạnh các thách thức về kinh tế vĩ mô, các quốc gia trên thế giới còn phải đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu.

Ngày 21/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ bà Janet Yellen, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức Hội nghị Nữ lãnh đạo khối kinh tế với chủ đề Triển vọng kinh tế và tài chính khí hậu.

Tại hội nghị, các diễn giả khẳng định: kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn hậu COVID-19 như: lạm phát cao và dai dẳng, xu hướng thắt chặt tiền tệ, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng trưởng kinh tế chậm lại, nguy cơ suy thoái...

Bên cạnh các thách thức về kinh tế vĩ mô, các quốc gia trên thế giới còn phải đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu. Các khó khăn, thách thức này đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Đứng trước các vấn đề nêu trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, từ góc độ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây là quan điểm xuyên suốt trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động thực hiện các giải pháp và công cụ với thời điểm và liệu lượng hợp lý; xác định trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn để điều hành phù hợp; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đạt được mục tiêu đề ra.

Về phía Bộ Tài chính Hoa Kỳ, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ chia sẻ: Hoa Kỳ đang theo đuổi các ưu tiên chính sách nhằm tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện.

Điển hình là chính sách kinh tế theo học thuyết kinh tế học trọng cung hiện đại trong đó tập trung vào gia tăng nguồn cung lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và nghiên cứu để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế một cách bao trùm và giúp giảm áp lực lạm phát. Bà Yellen cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để vượt qua các thách thức và phát triển kinh tế.

Tại hội nghị, các diễn giả đã dành nhiều thời gian chia sẻ về các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định: đây là xu thế không thể đảo ngược và thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại hiện nay. Ứng phó với biến đổi khí hậu vì vậy đang trở thành một trong những trọng tâm ưu tiên của mọi quyết định phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn tích cực và có trách nhiệm trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đã có những bước đi để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng "xanh hóa".

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và vừa qua đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác trong và ngoài G7.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bà Janet Yellen cho rằng, để có thể hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các quốc gia sẽ cần rất nhiều thời gian và nguồn lực. Theo đó, Hoa Kỳ đề cao vai trò của các ngân hàng phát triển quốc tế đa phương (MDBs) và khu vực tư nhân trong huy động nguồn vốn tài trợ cho các dự án/chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: với vai trò là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng Việt Nam luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chung quan điểm với Bộ trưởng Janet Yellen khi cho rằng các quốc gia có thể đa dạng hóa nguồn vốn cho các dự án "xanh", đặc biệt là thông qua các MDBs như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)... để tận dụng và phát huy các nguồn vốn dài hạn với mức chi phí vốn hợp lý để giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu.

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương cho hay, hợp tác trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về chống biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng và cần được quan tâm thúc đẩy nhiều hơn nữa giữa các Viện, Trường cả ở cấp quốc gia và quốc tế.

Sau buổi thảo luận bàn tròn, các diễn giả đã dành thời gian giao lưu với các sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu bao gồm các nữ lãnh đạo nắm giữ vai trò quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các Viện, Trường, các tổ chức quốc tế, ngân hàng thương mại và các bạn sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương.

Hội nghị khẳng định vai trò và sự quan tâm của nữ giới, sự nhận thức và quyết tâm của thế hệ trẻ trong việc chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu để hướng tới một xã hội xanh hơn, một tương lai bền vững và thịnh vượng cho tất cả mọi người./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục