Việt Nam - Cuba: Mở rộng cánh cửa hợp tác doanh nghiệp

17:54' - 01/04/2025
BNEWS Năm 2025 đánh dấu 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba, một cột mốc quan trọng và ý nghĩa, minh chứng cho tình hữu nghị sâu đậm và bền chặt giữa hai dân tộc.

Cuba hiện là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, trong khi đó Việt Nam giữ vai trò là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Cuba. 

Nhân dịp Đoàn doanh nghiệp Cuba, do Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba Antonio Luis Carricarte Corona dẫn đầu, sang thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng thời tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam VIETNAMEXPO 2025 từ ngày 2 - 5/4, Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Antonio Luis Carricarte Corona để tìm hiểu sâu hơn về quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, cũng như những cơ hội đầu tư đang mở ra cho doanh nghiệp hai bên. 

Phóng viênÔng đánh giá như thế nào về bức tranh tổng quan quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Cuba trong những năm gần đây? Theo ông, những thành tựu nổi bật trong hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia là gì? 

Ông Antonio Luis Carricarte Corona: Tôi cho rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều biến động phức tạp, bao gồm cả tình hình của Cuba, quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đã và đang ngày càng được củng cố. Mặc dù hiện tại chúng ta chưa đạt được mức độ thương mại như trước đại dịch COVID-19, khi mà chủ yếu là xuất khẩu gạo. Trước đây, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo sang Cuba theo các hình thức khác nhau. 

Tại sao tôi lại khẳng định rằng quan hệ này đang được củng cố? Vì sự hiện diện của các sản phẩm Việt Nam tại Cuba đã ngày càng đa dạng hóa, không chỉ giới hạn ở gạo. Mặc dù quy mô còn khiêm tốn, nhưng việc mở rộng danh mục sản phẩm và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác nhau đã tạo ra sự đổi mới, thể hiện sự phát triển và mở rộng của hợp tác thương mại giữa hai quốc gia. Điều này, một phần, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, một tiềm năng lớn đối với nền kinh tế Cuba. 

Trước đây, chỉ có một số ít doanh nghiệp tham gia vào quan hệ thương mại với Cuba. Tuy nhiên, ngày nay, sự tham gia đã mở rộng với sự xuất hiện của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các tập đoàn lớn. Điều này phản ánh sự phát triển của mối quan hệ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn trong các dự án đầu tư quan trọng và các lĩnh vực ưu tiên tại Cuba. 

Hiện nay, các công ty Việt Nam, bao gồm các công ty liên doanh, các công ty có 100% vốn Việt Nam, không những xuất khẩu sản phẩm, mà còn thực hiện các dự án sản xuất tại Cuba trong các lĩnh vực như công nghiệp nhẹ, sản xuất bỉm, sản phẩm vệ sinh, xây dựng, và nhiều lĩnh vực khác. Những sản phẩm này không chỉ được nhập khẩu từ Việt Nam mà còn được sản xuất ngay tại Cuba, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh. Thêm vào đó, các công ty Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực thiết yếu cho sự phát triển nông nghiệp của Cuba, chẳng hạn như sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi. Điều này đặc biệt quan trọng khi Cuba đang đẩy mạnh củng cố sản xuất thực phẩm trong nước, nhằm nâng cao sản lượng thịt gà, thịt lợn và trứng. 

Một lĩnh vực khác mà Việt Nam đang tham gia và có triển vọng lớn là sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Hiện nay, một số công ty Việt Nam đã tham gia vào lĩnh vực này, đóng góp vào sự phát triển năng lượng của Cuba trong tương lai. Dù con số còn khiêm tốn, Việt Nam đã và đang tham gia vào một lĩnh vực thiết yếu cho sự phát triển của Cuba trong những năm tới. 

Tôi có thể nói rằng, mặc dù trao đổi thương mại vẫn chưa đạt mức cao, nhưng sự hiện diện của Việt Nam tại Cuba đã được củng cố vững vàng và là kết quả của sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như những cơ hội mà Cuba mang lại. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại khu vực châu Á và là đối tác lớn nhất về đầu tư. Thậm chí, Việt Nam còn  có một đại diện tại Đặc khu Phát triển Mariel, đó là Viglacera, với dự án có triển vọng phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi hy vọng đây sẽ trở thành một khu vực quan trọng để phát triển các khoản đầu tư của Việt Nam vào Cuba trong những năm tới. 

 

Phóng viên:Với tư cách là Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba, ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cuba trong giai đoạn tới, đặc biệt là khi hai nước kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay? 

Ông Antonio Luis Carricarte Corona: Tôi tin rằng triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Cuba trong tương lai rất hứa hẹn. Trước hết, sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng lớn mà đất nước các bạn có thể đem lại, đặc biệt là trong những ngành mà Cuba đang ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, Cuba cũng đang triển khai nhiều cải cách lớn, dựa trên Kế hoạch Phát triển Quốc gia và Chương trình Điều chỉnh kinh tế. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình này. 

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm vào năm 2024 đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương, góp phần củng cố sự hiểu biết sâu sắc về vai trò then chốt của sự hiện diện Việt Nam đối với Cuba. Việc mở rộng sự hiện diện của Việt Nam tại Cuba không chỉ tạo cơ hội thuận lợi để chia sẻ kinh nghiệm, mà còn giúp Cuba tiếp nhận những công nghệ tiên tiến. Chuyến thăm này còn mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy các dự án hợp tác song phương. 

Việt Nam có những thế mạnh trong các lĩnh vực mà Cuba đặc biệt quan tâm, như sản xuất lương thực. Hiện nay, Cuba vẫn phải nhập khẩu phần lớn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất lương thực sẽ giúp Cuba tăng cường sản lượng trong nước, từ đó đảm bảo an ninh lương thực, một ưu tiên hàng đầu của quốc gia này. 

Cùng với đó, sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc sản xuất thịt lợn, thịt gà và trứng sẽ đóng góp quan trọng, giống như những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam đã chia sẻ với Cuba trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, Cuba cũng có thể học hỏi từ Việt Nam trong sản xuất cà phê và đặc biệt là lúa gạo. Hai nước đã bắt đầu triển khai một dự án nhỏ về trồng lúa, với tiềm năng mở rộng ra nhiều khu vực khác của Cuba. Dự án này rất hứa hẹn vì năng suất lúa tại Việt Nam có thể đạt tới 10 tấn/ha, cao hơn nhiều so với Cuba, từ đó mang lại cơ hội lớn giúp Cuba nâng cao năng suất nông nghiệp. 

Trong lĩnh vực công nghiệp, cơ hội hợp tác cũng rất rộng mở, từ sản xuất thép, cơ khí đến phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện. Như tôi đã đề cập, Việt Nam hiện đã có mặt trong các ngành sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi, nhưng tiềm năng hợp tác còn có thể mở rộng ra các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Một ví dụ điển hình là quyết định gần đây của Cuba về việc tăng thêm 200 MW trong việc tích trữ năng lượng tái tạo, cho thấy triển vọng tích cực trong mối quan hệ song phương, với sự đa dạng hóa hợp tác trên nhiều lĩnh vực. 

Không chỉ Cuba hưởng lợi từ sự hợp tác này, mà Việt Nam cũng có thể khai thác nhiều cơ hội. Những kinh nghiệm của Cuba trong các lĩnh vực y tế, dược phẩm và công nghệ sinh học có thể mang lại giá trị lớn cho Việt Nam. Với định hướng phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chính phủ Việt Nam và Cuba đều nhất trí đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tiên tiến. 

Mặc dù Cuba có quy mô nhỏ, nhưng sở hữu nền tảng khoa học và công nghệ có thể đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn mở rộng ra các thị trường khác. Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là Cuba từ lâu đã mong muốn trở thành cầu nối giúp các sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ Latinh. 

Xuất khẩu là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam, và Cuba có tiềm năng lớn để hợp tác trong sản xuất, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực này. Thông qua các hiệp định thương mại song phương, hàng hóa sản xuất tại Cuba với sự tham gia của Việt Nam có thể được công nhận là sản phẩm có xuất xứ từ Cuba, từ đó được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia theo các hiệp định thương mại mà Cuba đã ký kết. Điều này mang lại những lợi ích đáng kể cho hàng hóa Việt Nam. 

Với tất cả những yếu tố thuận lợi này, chúng tôi rất kỳ vọng và tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Cuba, đồng thời mong muốn thúc đẩy sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp hai nước tại thị trường của nhau. 

Phóng viênThưa ông, ông kỳ vọng như thế nào vào kết quả của Hội chợ VIETNAMEXPO và phiên họp Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam –Cuba và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Cuba lần này trong việc thúc đẩy thương mại song phương? 

Ông Antonio Luis Carricarte Corona: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ hai nước đã thống nhất hợp tác chặt chẽ, là các Phòng Thương mại phải đóng vai trò như một động lực và cầu nối thúc đẩy các dự án kinh doanh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc quảng bá tiềm năng hợp tác giữa hai nước, bởi dù đã có nhiều nỗ lực, sự hiểu biết lẫn nhau về thị trường hai bên vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, các Phòng Thương mại cần đảm nhận trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định hiệu quả. 

Chuyến thăm Việt Nam lần này của chúng tôi, đặc biệt trong khuôn khổ các sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa to lớn. Đã một thập kỷ trôi qua kể từ lần cuối một Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba đến đây và việc dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp lần này không chỉ giúp chúng tôi tìm hiểu về các đối tác kinh tế mới, mở rộng quan hệ hợp tác, mà còn tăng cường kết nối giữa Phòng Thương mại Cuba và các tổ chức tại Việt Nam. Ngoài mối quan hệ bền chặt sẵn có với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác với các hiệp hội kinh doanh đa dạng khác tại đất nước các bạn. 

Chúng tôi đã lên kế hoạch gặp gỡ các Hiệp hội Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp cơ khí và nhiều ngành khác để xây dựng mối quan hệ trực tiếp. Qua đó, chúng tôi hy vọng thúc đẩy sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba và ngược lại. Mục tiêu lớn hơn là khôi phục và phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp giữa hai nước, đảm bảo ủy ban này phản ánh đầy đủ các thỏa thuận cấp chính phủ, đồng thời tạo động lực để doanh nghiệp hai bên hiểu nhau hơn và tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh. 

Vì vậy, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào những kết quả tích cực từ chuyến công tác này tại Việt Nam./. 

Phóng viênXin cảm ơn ông!

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục