Việt Nam đảm bảo các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng

17:19' - 13/06/2022
BNEWS Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đổi mới để giảm tắc nghẽn về thể chế và cơ sở hạ tầng, đồng thời đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.

Viện chính sách Australia-Việt Nam (AVPI) vừa đăng bài viết của Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế và nghiên cứu viên của AVPI, đưa ra một số phân tích và dự báo đáng chú ý về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 và triển vọng trong năm 2022 cũng như những năm tới.

 

Tác giả đề cập đến một số động lực tăng trưởng từ trong và ngoài nước. Cụ thể, số doanh nghiệp tăng nhanh trở lại trong 6 tháng qua, sau khi số doanh nghiệp phải đóng cửa tăng và số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tăng chậm trong năm 2021. Đầu tư tư nhân ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ hội việc làm mới.

Bài viết nhấn mạnh với mục tiêu giảm tác động của đại dịch đối với kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đổi mới để giảm tắc nghẽn về thể chế và cơ sở hạ tầng, đồng thời đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Chính phủ đã cam kết tăng chi tiêu cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng và duy trì hỗ trợ kinh doanh ở mức nhất định.

Tác giả dự kiến dòng vốn đầu tư công sẽ phục hồi trong năm 2022 khi chính phủ tái tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu trong nước của Việt Nam tiếp tục tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bài viết cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, tăng năng suất và thu nhập. Các hiệp định hợp tác kinh tế khu vực được triển khai gần đây cũng đang giúp làm sâu sắc hơn nữa các liên kết chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài, đồng thời mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Về mặt tái cấu trúc kinh tế, Việt Nam có nhiều thay đổi về cơ cấu trong các ngành như nông nghiệp, dịch vụ logistics, tiêu chuẩn hóa, tài chính và thương mại điện tử.

Đánh giá về các rủi ro, tác giả nhận định Việt Nam đối mặt với một số rủi ro toàn cầu như đại dịch tiếp diễn, tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn dự kiến, áp lực lạm phát và lãi suất gia tăng, khả năng thắt chặt chính sách tài khóa ở các thị trường lớn, và triển vọng tăng trưởng kinh tế không chắc chắn ở Trung Quốc và Mỹ.

Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường các kết quả đã đạt được về giáo dục và y tế; tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển người lao động ra khỏi các ngành đang giảm sút; tăng cường các mạng lưới an sinh xã hội, đặc biệt đối với lao động phi chính thức; cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh; giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tiếp tục tập trung vào việc xây dựng các thể chế thị trường để cung cấp một môi trường chính sách và pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng cần tiếp tục theo dõi và hỗ trợ phù hợp cho các nhóm người dân chịu tác động tiêu cực nhất của đại dịch, biến đổi khí hậu, thiên tai và quá trình tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục