Việt Nam – EU hợp tác chuyển đổi sản xuất, năng lượng xanh

19:40' - 07/11/2024
BNEWS Trong chiến lược hợp tác song phương, Việt Nam – EU ưu tiên cho việc chuyển đổi sản xuất, năng lượng xanh nhằm thích ứng với các tiêu chuẩn, yêu cầu phát triển bền vững.

Trong chiến lược hợp tác song phương, Việt Nam – EU ưu tiên cho việc chuyển đổi sản xuất, năng lượng xanh nhằm thích ứng với các tiêu chuẩn, yêu cầu phát triển bền vững. Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn Hợp tác Việt Nam – EU chủ đề: “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, chiều 7/11.

 

Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương  khẳng định:, EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa hai bên thời gian qua tăng trưởng tích cực nhờ đòn bẩy mạnh mẽ từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh khu vực thị trường bất ổn, chuỗi cung ứng và kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng, từ 48,9 tỷ USD lên 63,7 tỷ USD; với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Trong số đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU tăng bình quân 8,7%/năm, nhập khẩu từ thị trường EU tăng bình quân 2,8%/năm. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam.

Theo Eurostat, EU nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đạt 34,9 tỷ EUR, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm thị phần 2,2%. Việt Nam hiện đứng vị trí Top 10 nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn nhất cho EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối Asean.

“Với ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA), Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và số. Đặc biệt các lĩnh vực sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng những tiêu chuẩn của EU, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi giá trị.”, ông Nguyễn Hoàng Long nhận định.

Ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng đặc biệt ghi nhận vai trò của thực thi Hiệp định EVFTA và đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa hai bên trong chuyển đổi năng lượng. Điển hình là việc triển khai Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng nông bằng (JETP) để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải. Đây là lĩnh vực thế mạnh và trọng tâm trong chính sách của EU, đồng thời cũng phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Theo ông Julien Guerrier, Việt Nam có tham vọng và chiến lược để tăng vị thế của mình trên thị trường quốc tế như phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch, chuyển đổi số; trong khi EU đặt mục tiêu phát triển ngày càng xanh hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đang là đối tác được EU cực kỳ quan tâm và lạc quan về những cơ hội hợp tác sắp tới trong việc xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp xanh, sản xuất xanh.

Việt Nam nên xem các chính sách, quy định giảm phát thải carbon của EU là cơ hội để thúc đẩy việc chuyển dịch năng lượng nhanh hơn. Từ đó, có được vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng và góp phần thực hiện mục tiêu Netzero vào năm 2050.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững là mục tiêu thiết yếu, thể hiện cam kết chung của cả EU và Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách do biến đổi khí hậu đặt ra. Nhằm hướng đến các mục tiêu bền vững, EU đã ban hành Thỏa thuận xanh EU, bao gồm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, Chỉ thị thẩm định bền vững của doanh nghiệp và Quy định không phá rừng của EU,…Bằng cách chủ động thích ứng với các quy định này, Việt Nam có thể thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 và cam kết làm mát toàn cầu tại COP 28.

“Việt Nam có tiềm năng lớn trong chuyển đổi xanh, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, Việt Nam cần ưu tiên nâng cao năng lực nhân sự thông qua việc hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ với EU. Điều này sẽ thúc đẩy các mô hình sản xuất bền vững, tăng cường ngành năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Các thành viên EuroCham có thể hỗ trợ Việt Nam thông qua chia sẻ các thực tiễn tốt nhất trong các mô hình kinh doanh bền vững, khuyến khích đấu thầu và các cơ chế tài chính sáng tạo đã được chứng minh là thành công ở châu Âu”, ông Nguyễn Xuân Thắng khuyến nghị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục