Việt Nam – Hà Lan hợp tác tăng giá trị nông sản Việt

15:30' - 24/10/2016
BNEWS Đoàn doanh nghiệp Hà Lan đã có buổi tọa đàm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển an ninh lương thực và tìm hiểu các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực hàng nông sản tại Việt Nam.
Tọa đàm về phát triển an ninh lương thực tại Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Buổi tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Ngoại thương Hà Lan Marten van den Berg từ ngày 24-25/10.

Theo ông Michiel van Erkel, Vụ trưởng Vụ Kinh doanh nông nghiệp quốc tế của Hà Lan, cùng nhau hợp tác chặt chẽ, Việt Nam và Hà Lan sẽ mang lại nhiều giá trị cho việc cung cấp lương thực, thực phẩm phong phú, an toàn và được sản xuất một cách bền vững hơn. Đại sứ Hà Lan cũng cho rằng, Hà Lan là nước lớn thứ hai trên thế giới về xuất khẩu nông sản, bởi vậy việc hợp tác đầu tư thuận lợi sẽ giúp tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nathan Belete, Giám đốc điều hành Chương trình toàn cầu Lương thực và nông nghiệp của World Bank đánh giá, Việt Nam có nền nông nghiệp tăng trưởng mạnh, ổn định nhưng đang giảm tốc.

Trong xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, Việt Nam là nhà cung cấp với chi phí thấp nhưng chất lượng không đồng đều, giá trị gia tăng thấp tại Việt Nam, thương hiệu ở nước ngoài không có. Nhưng nông nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn cho sự phát triển theo nhu cầu của Việt Nam và thế giới.

Đó là các loại thực phẩm có giá trị cao như các loại hạt, gia vị, thực phẩm chế biến và các loại hàng hóa thân thiện với môi trường, có chỉ dẫn địa lý.

Tìm hiểu về những cơ hội kinh doanh, hợp tác trong lĩnh vực hàng nông sản tại Việt Nam, một doanh nghiệp của Hà Lan đưa ra vấn đề: nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, rải rác, khi doanh nghiệp Hà Lan muốn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn tại Việt Nam thì Việt Nam sẽ có chính sách như thế nào để hỗ trợ nhà đầu tư?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn cho biết, tích tụ đất đai là vấn đề lớn ở Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thường mong muốn có vài chục, thậm chí lên hàng trăm héc ta đất để sản xuất.

Tuy nhiên, đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là sở hữu toàn dân, doanh nghiệp muốn có đất sản xuất có thể thuê. Để thuê được trong khi đất manh mún, nhỏ lẻ, doanh nghiệp có thể làm việc với chính quyền địa phương như cấp xã, cấp huyện để nhận được sự hỗ trợ về thuê đất.

“Với những dự án lớn, khả thi cao, doanh nghiệp có thể liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Giải đáp thắc mắc của một doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Lan khi muốn đầu tư vào chuỗi thực phẩm ở Việt Nam để xuất khẩu, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, sản phẩm gia cầm, gia súc của Việt Nam chưa được xuất khẩu nhiều vì các thị trường hầu hết đều yêu cầu phải có khu chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Nếu các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển lĩnh vực này thì khu sản xuất đó phải bảo đảm về an toàn sinh học, bảo đảm về an toàn dịch bệnh. Đối với thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang các thị trường. Các doanh nghiệp Hà Lan có thể hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp này.

Về vấn đề doanh nghiệp Hà Lan mong muốn mở cửa sản phẩm thịt bò tại thị trường Việt Nam, ông Hòa cũng cho biết, Việt Nam đã không nhập khẩu thịt bò của Liên minh châu Âu (EU) từ rất lâu, đây cũng là lĩnh vực chưa được mở ra.

EU bao gồm nhiều nước và mỗi nước có cơ chế kiểm soát dịch bệnh khác nhau. Để mở cửa mặt hàng thịt bò, hai bên có thể thỏa thuận song phương để có lộ trình từng bước mở ra cơ hội giao thương trong lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục