Việt Nam-Hàn Quốc: Mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD
Tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, trong hai ngày 21-22/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam đã tới chào Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo và hội kiến Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo. Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng đã tham dự các hoạt động của Đoàn.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tại trụ sở Quốc hội Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, ngày 21/3, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo đã hoan nghênh Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam thăm và làm việc tại Hàn Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Kim Jin-pyo nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam tháng 1 vừa qua, đồng thời chúc mừng những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là tốc độ phát triển kinh tế ngoạn mục bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Kim Jin-pyo nhấn mạnh, cùng với đà phát triển của cả hai nước, quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam cũng phát triển hết sức mạnh mẽ. Hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 12/2022. Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam, thông qua tiếp xúc với các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, hai bên đều nhận thấy tiềm năng hợp tác rộng mở giữa hai nước.
Chủ tịch Kim Jin-pyo cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam, ông đã tham dự lễ khánh thành Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), đồng thời bày tỏ tin tưởng với việc tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu phát triển đề ra theo lộ trình đến năm 2030 và 2045, và trong quá trình đó Hàn Quốc sẽ luôn sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam. Cùng với những tiến triển trong hợp tác song phương nói chung, quan hệ giữa Quốc hội hai nước cũng cần có những bước phát triển mới xứng tầm quan hệ giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cùng các đại biểu Quốc hội tham dự Diễn đàn các nhà lãnh đạo ASEAN - Hàn Quốc, dự kiến tổ chức tại đảo Jeju tháng 6 năm nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Hàn Quốc đã đạt được, đồng thời bày tỏ cảm ơn trước sự đón tiếp nồng hậu của Quốc hội cùng các đối tác Hàn Quốc dành cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn hai bên phối hợp cùng nhau làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, qua đó mở ra thời kỳ phát triển mới thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu này, việc duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp có ý nghĩa quan trọng. Việc phối hợp, chia sẻ ý kiến về quan hệ hợp tác hai nước cũng như về tình hình khu vực và quốc tế sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, nâng cao hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau; thúc đẩy triển khai các cơ chế, thỏa thuận hợp tác song phương đã ký kết.
Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước đi vào chiều sâu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị hai bên xem xét bổ sung các nội dung hợp tác trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Quốc hội từ năm 2013, để phù hợp với nội hàm của quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới.
Với mục đích học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trên một số lĩnh vực đặc biệt phục vụ cho việc sửa đổi một số luật quan trọng, qua chuyến công tác lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận thấy cần tăng cường trao đổi giữa các ủy ban của hai bên về hoạt động lập pháp, giám sát, phối hợp trong đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi để công dân hai nước xúc tiến hoạt động hợp tác, giao lưu và bảo hộ công dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan phục vụ Quốc hội nhằm nâng cao năng lực, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động tham mưu, phục vụ Quốc hội, nhất là Quốc hội điện tử, Quốc hội số; mở rộng các hình thức giao lưu hợp tác mới, hiệu quả; thúc đẩy hình thức giao lưu nữ nghị sĩ và nghị sĩ trẻ; hỗ trợ thành lập các quan hệ giao lưu, kết nghĩa giữa các địa phương của hai nước.
* Tiếp đó, sáng 22/3, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã tiếp Đoàn tại trụ sở Chính phủ. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Han Duck-soo nêu rõ Hàn Quốc và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Lãnh đạo hai nước đều thể hiện quyết tâm phát triển mạnh mẽ quan hệ song phương. Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng với Hàn Quốc: là đối tác thương mại lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ; hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong đó có những dự án quy mô lớn.
Chính phủ Hàn Quốc dành ưu tiên cao cho Việt Nam trong chương trình viện trợ phát triển (ODA) và mong muốn hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác tạo thuận lợi cho cộng đồng cư dân, doanh nghiệp phát triển ổn định. Chính phủ Hàn Quốc thời gian qua đã nỗ lực tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt là các gia đình đa văn hóa hội nhập, ổn định cuộc sống tại Hàn Quốc thông qua việc thành lập hệ thống 228 trung tâm đa văn hóa trên toàn quốc và đường dây nóng hỗ trợ 24/24.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột hợp tác quan trọng của hai nước. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, năng lượng sạch, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, khu công nghiệp xanh. Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ mong muốn hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc hai bên duy trì tốt các cơ chế đối thoại về an ninh, quốc phòng hiện có; đồng thời đề nghị Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ ODA hiệu quả cho Việt Nam; tin tưởng rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả cơ chế hợp tác này, mở rộng quy mô cung cấp ODA và tăng mức độ ưu đãi đối với các khoản vay dành cho Việt Nam từ Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF).
Việt Nam mong muốn Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng trên 200.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc. Về phần mình, Việt Nam đã và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống, học tập và làm việc ổn định tại Việt Nam.
Theo chương trình của chuyến công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục thăm một số địa phương và gặp, làm việc với một số tập đoàn của Hàn Quốc đang và mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh với Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Samsung./.
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Thị trường men vi sinh Việt Nam thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc
06:06' - 13/03/2023
Nhiều sản phẩm của các công ty Hàn Quốc được phân phối tại Việt Nam, bao gồm 'Vitamin PLUS' của Ildong Foodis, 'Duolac Baby Probiotics' của Cell Biotech và 'Daily Probiotics' của Mediogen.
-
Kinh tế Việt Nam
Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Samsung - Minh chứng cho sự tiến triển quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc
16:07' - 24/02/2023
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc, do ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Quảng Ninh thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI
14:58'
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Xu hướng tất yếu, nâng tầm quốc gia
14:38'
Đại biểu Quốc hội cho rằng, có điện hạt nhân sẽ đảm bảo an ninh năng lượng, nâng tầm vị thế quốc gia. Do đó cần xây dựng lộ trình, quy định rõ ràng, có chính sách đặc thù để triển khai hiệu quả.
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội: Đề xuất Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động cơ quan Trung ương tại địa phương
13:07'
Đại biểu Quốc hội đề xuất HĐND được quyền giám sát hoạt động của các cơ quan Trung ương và được quyền chất vấn người đứng đầu cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động ở địa phương.
-
Kinh tế Việt Nam
Công bố đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á chứng nhận tiêu chuẩn JFS-A/B
13:06'
Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 6 tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á chứng nhận tiêu chuẩn JFS-A/B.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch nước Lương Cường và Quốc vương Campuchia thưởng trà tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
11:49'
Chủ tịch nước Lương Cường và Quốc vương Norodom Sihamoni đã được nghệ nhân trà đạo Đào Đức Hiếu giới thiệu về những phẩm trà vô cùng quý hiếm tại Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội và thách thức cho thuỷ sản Việt Nam tại thị trường Mỹ
11:16'
Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm.
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
10:27'
Sáng 29/11, với 448/450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản
10:26'
Sáng 29/11, với 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.
-
Kinh tế Việt Nam
Tìm cơ chế để có dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên
10:15'
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu đạt công suất 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Vậy đâu là cơ chế phù hợp để có thể hiện thực mục tiêu này?