Việt Nam hối thúc Ấn Độ không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

08:02' - 18/06/2020
BNEWS Tính đến tháng 5/2020, Ấn Độ có 275 dự án đầu tư  với tổng vốn gần 900 triệu USD, đứng thứ 26/136 quốc gia và vũng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước giải quyết khó khăn, đặc biệt trong và sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời mong muốn phía Ấn Độ tránh áp dụng các biện pháp phòng vệ và hạn chế thương mại đối với các sản phẩm của Việt Nam.

Đây là phát biểu của ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương tại hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư trực tuyến với chủ đề "Thương mại và đầu tư Việt Nam-Ấn Độ trong trạng thái bình thường mới" được tổ chức chiều 17/6.

Hội nghị do Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn Các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ITPC, đại diện các cơ quan bộ ngành Ấn Độ, lãnh đạo FICCI và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Hội nghị là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tương tác với các cơ quan quản lý, cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội, nhằm nắm bắt các chủ trương, chính sách về thương mại, đầu tư, xu hướng và nhu cầu của thị trường mỗi nước, trao đổi, tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Quốc Hưng khẳng định Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng như các nhà chức trách hai nước để hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, đặc biệt trong và sau đại dịch.

Ông nhấn mạnh phía Việt Nam đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, coi đó là một trong những ưu tiên của năm 2020. Do đó, Việt Nam cam kết giảm thiểu các rào cản thương mại hàng hóa để tránh bất kỳ tác động tiêu cực nào với các hoạt động thương mại và kinh doanh trong tất cả các ngành.

Trên tinh thần đó, ông Hưng hối thúc phía Ấn Độ không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm của Việt Nam như thép mạ kẽm, ống đồng và thép không gỉ, khung in kỹ thuật số, ván ép... cũng như xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thương mại như áp mức giá tối thiểu đối với hạt tiêu và hạt điều, yêu cầu giấy phép nhập khẩu cho các sản phẩm như hương nhang.

Ông Hưng cũng lưu ý Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do cả trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Các thỏa thuận này mang lại cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường hợp tác với đối tác Việt Nam, tiến vào thị trường Việt Nam và tiếp cận các khu vực khác thông qua Việt Nam.

Tính đến tháng 5/2020, Ấn Độ có 275 dự án đầu tư  với tổng vốn gần 900 triệu USD, đứng thứ 26/136 quốc gia và vũng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số này vẫn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng của mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Bà Vân cho rằng, trong thời gian tới, để thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư và phát triển, hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nhằm quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam và Ấn Độ đến với các doanh nghiệp trong khu vực, và tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp hai nước để đẩy mạnh quan hệ thương mại và hợp tác kinh doanh song phương.

Cũng tại hội nghị, các đại diện của Ấn Độ như Chủ tịch tập đoàn Aptech, ông Anuj Kacker và Giám đốc phụ trách thương mại quốc tế của Công ty dầu khí Hindustan Petroleum đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nêu lên các cơ hội và triển vọng đầu tư, khai thác thị trường Ấn Độ và Việt Nam - một thị trường mới nổi được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong khu vực.

Ngoài ra, các diễn giả và khách mời tham dự hội nghị cũng thảo luận về trạng thái bình thường mới sau đại dịch; các biện pháp đảm bảo tính liên tục và thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ; các lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm và các cơ hội hợp tác, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục