Việt Nam hội tụ những điểm thuận lợi nhất để thu hút đầu tư nước ngoài

15:53' - 24/09/2018
BNEWS Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi tốt nhất cho môi trường đầu tư thông qua các chỉ số đánh giá đã được các Tổ chức quốc tế công bố.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Hội nghị lần tổng kết 30 thu hút FDI là cơ hội giới thiệu quảng bá những nỗ lực của Chính phủ, giới thiệu những điều kiện tốt về môi trường đầu tư. Hơn thế nữa, đây cũng được ví là cơ hội để xúc tiến đầu tư trong giai đoạn tới với quy mô lớn hơn. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Sau 30 năm kể từ khi có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Nhân sự kiện chuẩn bị diễn ra hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí về đóng góp của khu vực các đầu tư trực tiếp nước ngoài và định hướng thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới.

Phóng viên: Hội nghị tổng kết 30 năm FDI sắp được tổ chức vào đầu tháng 10 tới có ý nghĩa và vai trò như thế nào trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ngày 4/10, chúng ta sẽ có lễ kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài và đây là sự kiện lớn. Năm 1991, chúng ta đã tổ chức một hội nghị thu hút đầu tư FDI mang tầm quốc gia lần đầu tiên cho đến bây giờ chúng ta chưa tổ chức thêm một hội nghị nào như vậy. Hội nghị năm 1991 đã gây một tiếng vang lớn trong giai đoạn chúng ta bắt đầu thực hiện việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Lần này, chúng ta tổ chức hội nghị với hai nội dung lớn. Một là đánh giá những thành tựu và đề ra định hướng mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nội dung thứ 2 khẳng định thông điệp của Chính phủ là tiếp tục coi đầu tư nước ngoài là bộ phận của nền kinh tế, tiếp tục cam kết thu hút đầu tư, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn để đồng hành cùng với các nhà đầu tư. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Hội nghị lần này cũng là cơ hội giới thiệu quảng bá những nỗ lực của Chính phủ, giới thiệu những điều kiện tốt về môi trường đầu tư. Hơn thế nữa, đây cũng được ví là cơ hội để xúc tiến đầu tư trong giai đoạn tới với quy mô lớn hơn.

UBND tỉnh Bình Dương trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Phóng viên: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về đóng góp của nguồn vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết phải khẳng định vai trò của đầu tư nước ngoài trong 30 năm vừa qua đã đóng góp hết sức lớn và tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này thể hiện qua các báo cáo đánh giá đã được công bố vừa qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta vẫn phải khẳng định, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là bộ phận của nền kinh tế nước ta.

Bởi lẽ, khu vực này không những bổ sung nguồn lực để đóng góp vào tăng trưởng của đất nước mà còn thôi thúc cũng như thúc đẩy sự cải cách sự phát triển kinh tế từ các vùng miền cho đến các ngành, lĩnh vực và cho cả khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt khu vực này góp phần thúc đẩy cải cách cũng như hoàn thiện thể chế chính sách tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng là phải đánh giá được kết quả thành tựu và song song với đó là chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế và yếu kém trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cần tìm ra những vấn đề mà khu vực kinh tế nước ngoài làm chưa tốt hoặc chưa đạt được những kỳ vọng đề ra để qua đó có định hướng, chiến lược và chính sách mới phù hợp hơn.

Nghĩa là vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng có trọng tâm, trọng điểm nhiều hơn. Phải có bộ lọc nhất định chứ không thu hút, phát triển theo hướng hô hào thu hút theo chiều rộng mà không quan tâm đến chất lượng đến thu hút đầu tư.

Điều quan trọng hơn cả là trong bối cảnh mới với nhiều diễn biến, biến động mau lẹ của nền kinh tế thế giới, chúng ta phải định vị lại vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Tôi khẳng định, sẽ có điều chỉnh về mặt chiến lược, định hướng để làm sao thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài đúng định hướng và mang lại những hiệu quả tốt. Đặc biệt là phải khắc phục được những bất cập trong thời gian vừa qua. Cùng đó, tiếp tục thu hút FDI nhưng có trọng tâm, trọng điểm hơn, có những xu thế phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Chẳng hạn, thu hút phải gắn với phát triển bền vững, tức là phải có trình độ công nghệ cao hơn, có thân thiện môi trường, ít phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu, tài nguyên nhiều hơn. Hay, quá trình thu hút đầu nước ngoài phải gắn với cả với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, việc thu hút cũng phải gắn kết với các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn để tạo điều kiện thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, để doanh nghiệp trong nước có điều kiện vươn lên có cơ hội tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển các vùng miền một cách cân đối, hài hòa. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần phải gắn với bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là những định hướng lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Phóng viên: Vậy Bộ trưởng gửi tới hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI sắp tới những thông điệp gì?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết, các nhà đầu tư đến Việt Nam làm ăn mang có hiệu quả thì họ mới đến. Chúng ta có được thành tựu như ngày hôm nay với bộ mặt kinh tế - xã hội thay đổi tích cực, diện mạo đô thị đến vùng nông thôn có nhiều cải thiện là nhờ sự tham gia hết sức quan trọng của khu vực kinh tế nước ngoài. Do đó chúng ta phải có một lời tri ân, cám ơn các nhà đầu tư đã đến Việt Nam.

Thứ hai, tôi cũng muốn nói một thông điệp là hiện nay Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi tốt nhất cho môi trường đầu tư thông qua các chỉ số đánh giá đã được các Tổ chức quốc tế công bố cũng như nỗ lực của Chính phủ đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Hơn bao giờ hết, hiện tại là thời điểm tốt khi chúng ta có một thị trường lớn, có sự ổn định về chính trị. Đặc biệt là chúng ta đã tham gia rất nhiều các hiệp định song phương và đa phương, khi đó khả năng mở rộng thị trường là rất lớn. Bên cạnh đó, đất nước ta đã có một vị thế, vai trò cao hơn trong khu vực và trên thế giới.

Đó là chưa kể những nỗ lực của việc cải thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực cũng như xây dựng hoàn thiện thể chế… Đây là những vấn đề thuận lợi về môi trường cho đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam. Thông điệp gửi đến các nhà đầu tư là: " Tiếp tục đến với Việt Nam và ở lại đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Hãy đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam".

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục