Việt Nam-Lào còn nhiều dư địa trong hợp tác thương mại

10:28' - 16/07/2022
BNEWS Sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào, thương mại hai nước không ngừng phát triển theo chiều hướng tích cực.

Kết thúc 2 năm bị trở ngại bởi dịch COVID-19, từ đầu năm 2021 trở lại đây, giao thương giữa hai bên đã tăng trưởng mạnh mẽ, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi và danh mục hàng hóa ngày càng phong phú hơn.

 

Chính vì vậy, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào Bounthong Chitmany từ ngày 17-19/7 là dịp quan trọng để tạo đà cho thương mại hai nước phát triển.

Láng giềng thân thiết

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Cùng đó, việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Hàng năm, Bộ Công Thương hai nước đều ký Biên bản thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ phía Lào các gian hàng tại các hội chợ, triển lãm lớn tại Việt Nam như Vietnamexpo, Foodexpo.

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua, kim ngạch thương mại Việt Nam- Lào luôn tăng trưởng tích cực. Hàng hoá xuất nhập khẩu giữa hai nước khá đa dạng và bổ sung cho nhau.

Thống kê cho thấy, năm 2021 kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,7 triệu USD, tăng 4% so với năm 2020. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 778,2 triệu USD, tăng 69,8% so cùng kỳ với năm 2020.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 309,4 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu sang Lào chủ yếu là các nhóm sản phẩm từ sắt thép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phân bón các loại; sản phẩm từ chất dẻo; rau quả.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Lào 514,6 triệu USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021 gồm các mặt hàng cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; phân bón các loại; rau quả; quặng và khoáng sản.

Đến nay, đã có 417 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào với tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số 54 nước và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư tại Lào.

Bên cạnh đó, hai bên đã tăng cường thúc đẩy, ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào về nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sản xuất và lĩnh vực có nhiều thế mạnh tại khu vực dọc theo tuyến biên giới.

Bà Lê Thị Phương Hoa - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Lào cho hay: Thị trường Lào là đích đến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam bởi địa lý gần và chấp nhận hầu hết các chứng nhận về tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu.

Hơn nữa, việc xuất khẩu sang Lào được hưởng lợi ưu đãi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho các mặt hàng của hai nước theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào.

Bên cạnh những thuận lợi, thương mại hai nước chưa phát huy hết tiềm năng do chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng.

Cùng đó, hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến cũng như áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu hay hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Ngoài ra, năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc triển khai các chương trình và thỏa thuận giữa hai bên còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, năm 2022, hai nước phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại lên 10-15% theo mục tiêu đã thống nhất trong giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tại khu vực biên giới hai nước tăng cường trao đổi thương mại.

Nhiều dư địa phát triển

Hợp tác xã Thủy sản Thanh Chăn (Điện Biên) có diện tích ươm nuôi thủy sản lên đến gần 5ha, lớn nhất khu vực lòng chảo Mường Thanh. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ cá giống cho hợp tác xã chủ yếu là các huyện vùng ngoài lòng chảo Điện Biên và xuất sang Lào, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đại diện Hợp tác xã Thuỷ sản Thanh Chăn chia sẻ, sở dĩ hợp tác xã lựa chọn Lào là thị trường đầu ra lâu dài bởi hai nước giáp biên và chung nhiều cặp cửa khẩu. Điều này giúp giao thương thuận lợi, quãng thời gian và chi phí được rút ngắn rất nhiều so với quốc gia khác.

Nhận thấy tiềm năng để phát triển nông nghiệp và lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò sữa tại cao nguyên Xiangkhouang (Lào), từ năm 2019, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô lớn.

Mới đây, Vinamilk đã tiếp nhận thành công 1.000 bò sữa HF thuần chủng nhập khẩu trực tiếp từ Hoa Kỳ về cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa để đưa về Trang trại Vinamilk Lao-Jagro tại cao nguyên Xiangkhouang.

Sự kiện đón 1.000 bò sữa cũng đã được chính quyền địa phương Lào quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đoàn xe 35 chiếc chở đàn bò di chuyển, nhập cảnh qua cửa khẩu Nậm Cắn nhanh chóng.

Để tăng thiện cảm với người tiêu dùng hai nước, bà Lê Thị Phương Hoa lưu ý doanh nghiệp khi xuất khẩu cần dán tem, nhãn bằng tiếng Lào để người tiêu dùng có thể đọc tên, công dụng và cách dùng sản phẩm.

Trong tìm kiếm đối tác mới, bà Lê Thị Phương Hoa gợi ý doanh nghiệp khi tham gia hội chợ để xúc tiến thương mại nên tham gia cả hội chợ cấp địa phương nhằm giúp hàng Việt thâm nhập sâu hơn với cuộc sống của người Lào.

Với những doanh nghiệp quan tâm mà không có điều kiện sang Lào để quảng bá sản phẩm, Thương vụ Việt Nam tại Lào định kỳ lập danh sách doanh nghiệp gửi đến các cơ quan đầu mối nước này để thông tin tới doanh nghiệp sở tại.

Nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại Việt Nam- Lào trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng hai bên cần duy trì và cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ.

Bên cạnh đó, hai bên theo dõi sát việc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, đảm bảo luồng lưu thông được ổn định, thông suốt; thường xuyên rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế.

Mặt khác, hai bên tiếp tục triển khai phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn kiện như Hiệp định Thương mại Biên giới Việt Nam - Lào; Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào; Bản Ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước.

Đặc biệt, Việt Nam- Lào còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong lĩnh vực điện, khai khoáng, than đá. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường hợp tác, doanh nghiệp hai bên cần gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau trước bối cảnh khó khăn để phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục