Việt Nam sẵn sàng cho một thị trường hàng không thống nhất

16:43' - 01/12/2015
BNEWS Để thành lập thị trường hàng không thống nhất ASEAN, Việt Nam cần chuẩn bị các nội dung chương trình, kế hoạch theo lộ trình đặc biệt nhằm mục đích được đồng bộ hóa.
Kíp trực điều hành bay tại Đài chỉ huy sân bay Nội Bài. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN.

Một trong những nội dung quan trọng khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là thành lập thị trường hàng không thống nhất trong ASEAN với mục tiêu là tăng cường an toàn, an ninh hàng không và quản lý hoạt động bay thông qua hài hoà hoá và đồng nhất các tiêu chuẩn và thủ tục trong khu vực.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Phóng viên: Việc thành lập thị trường hàng không thống nhất ASEAN với mục tiêu là tăng cường an toàn, an ninh hàng không và quản lý hoạt động bay. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã có những chuẩn bị gì thưa ông?
Ông Đinh Việt Thắng: Hàng không dân dụng là một ngành có tính hợp tác quốc tế cao, là một trong những ngành phải triển khai hội nhập quốc tế sớm nhất và sâu rộng nhất.

Do vậy, việc triển khai các chương trình kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu bắt buộc của ngành hàng không nói chung và của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nói riêng.
Thành lập thị trường hàng không thống nhất ASEAN là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nó mang lại nhiều lợi ích chung, sẽ tạo ra một bầu trời mở trong khu vực, tạo hành lang thông thoáng và tăng cường khả năng vận tải hàng không trong khu khu vực, tăng thêm số lượng các chuyến bay, giảm chi phí khai thác cho nhà vận tải hàng không.

Từ đó, sẽ tạo thêm nhiều sự lựa chọn, cũng như giảm giá vé cho hành khách; đồng thời tăng cường giao lưu, giao thương, tăng cường du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực ASEAN.
Trong những năm qua, ngành Hàng không Việt Nam nói chung và Tổng công ty Quản lý bay nói riêng đã tích cực chuẩn bị nhiều chương trình, dự án; không những đảm bảo theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của các tổ chức ASEAN, WTO mà còn phải đáp ứng theo chương trình kế hoạch của tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).

Đặc biệt, là trong vấn đề thống nhất hóa về tổ chức, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ hàng không nói chung và dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nói riêng.
Phóng viên: Về vấn đề an ninh, an toàn, đảm bảo các hoạt động bay đây là vấn đề xương sống của ngành hàng không mỗi nước cũng như trong toàn bộ các nước ASEAN. Khi thành lập thị trường hàng không thống nhất các vấn đề trên cũng phải được đồng bộ hóa, về vấn đề này chúng ta đã có những chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Việt Thắng: Thành lập thị trường hàng không thống nhất ASEAN, trước hết chúng ta cũng phải chuẩn bị các nội dung chương trình, kế hoạch theo lộ trình đặc biệt nhằm mục đích được đồng bộ hóa.

Đặc biệt là các vấn đề về an ninh, an toàn và cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, với các nội dung chính như sau: Thứ nhất là phải cùng với các quốc gia trong khu vực ASEAN để thống nhất hóa các hệ thống qui trình, qui phạm, quy định về hàng không liên quan tới việc cung cấp các dịch vụ giữa các nước trong khối.

Kíp trực điều hàng bay tại Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang tích cực rà soát, đánh giá cùng các nước trong khối về các nội dung quy trình, quy định, qui phạm theo hướng thống nhất hóa, tiêu chuẩn hóa.

Tiếp đến là phải cùng với các quốc gia trong khu vực ASEAN thực hiện thống nhất hóa về các mặt tổ chức, thống nhất hóa về dây chuyền cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, Việt Nam phải cùng với các quốc gia trong khu vực ASEAN thực hiện thống nhất hóa nguồn nhân lực hàng không nói chung và nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nói riêng.

Vì nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt, quyết định thành công trong việc triển khai thực hiện một thị trường hàng không thống nhất ASEAN.

Ngoài ra, việc tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực còn giúp các quốc gia các nhà cung cấp dịch vụ trong khối tận dụng, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn nhân lực sẵn có, đặc biệt trên phương diện đào tạo, huấn luyện; giám sát an ninh, an toàn hàng không.
Mặt khác, Việt Nam cũng phải cùng với các quốc gia trong khu vực ASEAN thực hiện thống nhất hóa việc áp dụng công nghệ mới cho các hệ thống trang thiết bị theo lộ trình của tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và lộ trình triển khai thực hiện trong khối, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo tăng cường an toàn, an ninh; nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ hàng không.
Có thể khẳng định rằng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hiện nay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp; xét trên các mặt năng lực điều hành bay, an toàn chất lượng; đang được đánh giá là một trong các quốc gia dẫn đầu trong khối.
Tổng công ty luôn cam kết triển khai thực hiện theo đúng lộ trình của tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế và lộ trình thực hiện thị trường hàng không thống nhất ASEAN.

Hiện nay, Tổng công ty đang tổ chức đàm phán song phương và đa phương với các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của các nước trong khối dưới sự chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam và của Bộ Giao thông Vận tải để triển khai các nội dung có liên quan, đặc biệt là các vấn đề nêu trên, hướng tới mục tiêu cùng xây dựng một thị trường hàng không thống nhất ASEAN.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Quang Toàn/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục