Việt Nam sẽ sản xuất vệ tinh quan sát trái đất

17:37' - 18/10/2018
BNEWS Ngày 18/10, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin với báo chí về Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất”.

Ông Tyutaro Kobayashi, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ do biến đổi khí hậu như xói mòn bờ biển, sông nhiễm mặn do nước biển dâng… Thiệt hại về người do thiên tai là rất nghiêm trọng, song những thiệt hại về mặt kinh tế còn trầm trọng hơn. Tính đến nay, Việt Nam đã phải chịu thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu chiếm từ 1-1,5% GDP của Việt Nam.

Vì vậy, việc xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở thiết bị công nghệ cho phép chủ động thu thập liên tục dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám để có thể giám sát đất nước liên tục là cần thiết và cấp bách.

Lộ trình tự phát triển vệ tinh quan sát trái đất tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ảnh: VNSC

Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” với tổng đầu tư khoảng 7 nghìn tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam được thực hiện từ năm 2011.

Đây  là dự án trọng điểm quốc gia thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ vũ trụ đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006, cụ thể thực hiện các nhiệm vụ “làm chủ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; đào tạo được đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam”.

Theo JICA, mục tiêu của dự án là để nâng cấp và thiết lập hệ thống cảnh báo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, phát triển và chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh quan sát trái đất.

Trong khuôn khổ dự án này, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng sẽ thực hiện mục tiêu chế tạo và phóng Vệ tinh LOTUSat-1 và xây dựng công trình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Dự án được sử dụng như là phương tiện phục vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vệ tinh này có độ phân giải mặt đất cao từ 1m đến 16m, cho phép xác định chính xác sự kiện, phát hiện, đánh giá tốt các biến động của đối tượng quan sát.

LOTUSat - 1 là vệ tinh dùng cảm biến chủ động (sóng vô tuyến), không phụ thuộc vào nguồn sáng mặt trời, cho khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm, giúp tăng gấp đôi hiệu suất quan sát trái đất so với vệ tinh dùng cảm biến quang học (chỉ chụp ban ngày).

Ông Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Theo ông Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), thời gian thực tế cần để sản xuất vệ tinh LOTUSat - 1 là 36 tháng. Thời gian thử nghiệm và phóng lên quỹ đạo chưa xác định được do còn phụ thuộc nhiều yếu tố (thông thường phải đợi 6 tháng đến 1 năm). Việc sản xuất vệ tinh này sẽ được thúc đẩy nhanh để phục vụ việc dự báo thiên tai. Dự kiến khi ứng dụng vệ tinh này sẽ giảm 10% thiệt hại của thiên tai ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, hiện nay muốn chụp ảnh một khu vực nào đó chúng ta phải đặt hàng, sau đó ít nhất 2 ngày mới nhận được, còn nếu chúng ta có vệ tinh quan sát trái đất riêng, mọi việc sẽ được hoàn tất chỉ trong vòng 6-12 tiếng đồng hồ.

Để hoàn thành mục tiêu này, từ khâu thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm đều được các sinh viên, kỹ sư của Việt Nam thực hiện ở Nhật Bản.

Việc có vệ tinh riêng cũng giúp cho Việt Nam chủ động về dữ liệu trong các tình huống khẩn cấp, giảm bớt thiệt hại, góp phần bảo đảm cuộc sống an toàn và sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này cũng tạo cơ hội chia sẻ ảnh vệ tinh trong cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế trong hợp tác quốc tế đặc biệt tăng quyền ưu tiên chia sẻ ảnh vệ tinh từ các quốc gia khác, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp.

Đến nay, các hạng mục mua sắm và xây dựng công trình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện bằng vốn đối ứng của Dự án được triển khai theo đúng kế hoạch, đã hoàn thành 90% khối lượng và cơ bản sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Ông Vũ Anh Tuân cũng cho hay, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản chuẩn bị nguồn nhân lực phát triển vệ tinh tại Nhật Bản, 36 kỹ sư Việt Nam đã được học tập và cấp bằng thạc sỹ về công nghệ vũ trụ. Các kỹ sư này cũng trực tiếp nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm vệ tinh nhỏ MicroDragon (50 kg) bằng nguồn vốn ODA. Theo kế hoạch, vệ tinh này sẽ được phóng lên quĩ đạo vào tháng 12/2018.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục