Việt Nam tận dụng tối ưu nguồn tài trợ 613 triệu USD của ADB trong năm 2018

15:20' - 31/03/2018
BNEWS Chủ tịch Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakeo khẳng định cam kết của ADB hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng đồng đều và bền vững hơn về môi trường.

Bên thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 đang diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakeo đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận về các vấn đề phát triển kinh tế; cũng như kế hoạch hỗ trợ tiếp tục của ADB đối với Việt Nam.

Theo đó, ADB đang phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo Việt Nam tận dụng tối ưu nguồn tài trợ trị giá 613 triệu USD của ADB trong năm 2018, trước khi chấm dứt quyền tiếp cận nguồn tài trợ ưu đãi từ ngày 1/1/2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao bức ảnh chụp các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6. Ảnh: TTXVN

Ngài Takehiko ghi nhận những nỗ lực đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 của Việt Nam - mức cao nhất kể từ năm 2007, và khẳng định, Việt Nam đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, giảm thâm hụt ngân sách, nhờ đó đã giảm tỷ lệ nợ công trên GDP.

Tuy nhiên, "điều quan trọng là cần tiếp tục cải tổ cơ cấu để nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng cần được tăng cường bằng việc xử lý nợ xấu và thắt chặt giám sát. Hoạt động thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước cần được đẩy nhanh, song song với tăng cường quản trị doanh nghiệp".

Chủ tịch Takehiko cũng một lần nữa khẳng định cam kết của ADB hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng đồng đều và bền vững hơn về môi trường, vốn là mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược Đối tác quốc gia (CPS) của ADB với Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, sẽ tập trung vào việc tạo việc làm có chất lượng và cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế, tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, giải quyết các vấn đề về tính bền vững môi trường và biến đổi khí hậu.

Sau khi Việt Nam chuyển đổi sang các nguồn vốn dựa trên thị trường nhiều hơn của ADB (thay vì nguồn vốn hỗn hợp kể cả tài trợ ưu đãi) thì ADB có thể cung cấp ít nhất 1 tỷ USD/năm trong năm 2019 và 2020 (thông qua các hoạt động do Chính phủ bảo lãnh) đối với Việt Nam, ngài Takehiko tuyên bố.

ADB sẽ hỗ trợ các dự án nội vùng và trong các lĩnh vực giao thông đô thị, thoát nước và nước thải nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đô thị. Hơn nữa, ADB sẽ tích cực tìm kiếm để huy động nguồn vốn đồng tài trợ ưu đãi từ các quỹ tín thác của ADB cũng như từ các đối tác song phương và đa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp to lớn và hỗ trợ ý nghĩa của ADB đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam; trong đó, đặc biệt là các chương trình, dự án về giao thông, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp và môi trường...

Trong nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của ADB đã mang lại nhiều giá trị gia tăng và thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong nhiều dự án, lĩnh vực. Tới đây, ADB sẽ tăng cường hỗ trợ cho phát triển khu vực tư nhân, sử dụng cả nguồn tài trợ có và không có bảo lãnh của Chính phủ.

Được biết, kế hoạch sắp tới, ADB sẽ hỗ trợ cải cách các doanh nghiệp Nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam; tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn giao dịch và hỗ trợ chuẩn bị các dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực đường vành đai, đường cao tốc và chuyển đổi rác thành năng lượng.

Ngoài ra, ADB sẽ mở rộng các hoạt động không có sự bảo lãnh của Chính phủ để bao trùm những lĩnh vực mới như nông nghiệp, y tế và giáo dục./.

>>>Hội nghị GMS6 - CLV10: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch ADB

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục