Việt Nam tích cực phối hợp xác định danh tính nạn nhân vụ 39 người tử vong ở Anh

20:52' - 05/11/2019
BNEWS “Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, chiều 5/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đại diện Bộ Công an, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã trao đổi những thông tin liên quan đến vụ việc 39 nạn nhân được phát hiện tử vong trong thùng xe container tại khu công nghiệp Waterglade, hạt Essex (Vương quốc Anh).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, liên quan đến vụ việc 39 người tử vong tại Anh, mở đầu phiên họp Chính phủ diễn ra chiều cùng ngày, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình nạn nhân; cam kết Chính phủ sẽ làm hết sức mình để chia sẻ những mất mát, đau thương to lớn này, các địa phương sẽ xử lý tốt các điều kiện đảm bảo hỗ trợ.

Đây là vụ việc hết sức đau lòng, ngoài mong muốn, là vụ việc gây bàng hoàng cho người dân, gia đình các nạn nhân, một sự mất mát lớn, cũng như cả nước và bạn bè quốc tế.

Ngay sau sự việc xảy ra, ngày 25/10, Thủ tướng khi đang dự lễ đăng quang của Nhật hoàng tại Nhật Bản đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Anh làm rõ nguyên nhân và điều tra, có biện pháp cần thiết phối hợp với cơ quan chức năng của Anh trong quá trình xử lý giải quyết.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã họp với các cơ quan tiếp tục chỉ đạo về vấn đề này. Ngày 3/11, từ Thái Lan, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo và có điện chia buồn với gia đình nạn nhân.

Trước đó, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã cử đoàn công tác sang phối hợp với cơ quan của Anh. Đến thời điểm này, công tác xác định danh tính của các nạn nhân đang được tiến hành khẩn trương, thận trọng, yêu cầu thật chính xác, chặt chẽ nhằm thực hiện các biện pháp bảo hộ quyền công dân. Danh tính các nạn nhân sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất, khi các cơ quan của Anh công bố.

Trong chỉ đạo, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình có người tử vong, trước hết là động viên thân nhân địa phương bằng biện pháp thích hợp nhất để bù đắp nỗi đau này với các gia đình, đồng thời đưa ra biện pháp hỗ trợ trong khả năng của địa phương.

“Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng làm các công việc cần thiết trong phạm vi, đặc biệt là phối hợp với cơ quan chức năng của Anh xác minh danh tính người thiệt mạng để đưa họ về quê hương, sớm hoàn tất thủ tục điều tra vụ việc, nghiêm trị người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong nước và quốc tế.

"Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần thiết trong công tác quản lý, bởi đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ những tội phạm đưa người di cư bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hơn nữa trong việc phòng, chống loại tội phạm này; cam kết phối hợp với cơ quan chức năng của các nước để nghiêm trị những kẻ thực hiện các hành vi trái pháp luật, không để tái diễn và xảy ra vụ việc đau lòng tương tự" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trao đổi tại họp báo liên quan đến vụ việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hiện nay Bộ Công an đã và đang khẩn trương phối hợp với Bộ Nội vụ của Anh để xác định sớm nhất theo thông tin nhận được. Chúng ta đã có đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đang sang bên Anh.

"Theo thông tin hiện nay nhận được từ các gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thì có 35 trường hợp thông báo có dấu hiệu nằm trong 39 nạn nhân", Thứ trưởng Ngọc nói.

Về thông tin danh tính các nạn nhân, ông Ngọc cho biết, theo quy định của Anh cần phải có xác định danh tính và thông báo cho cơ quan có trách nhiệm.

Do vậy, Việt Nam đang phối hợp, sau khi xác định được danh tính sẽ thông báo cho các cơ quan, gia đình nạn nhân. Thời gian thông báo căn cứ quy định của hai nước và kết quả xác định danh tính.

Khuyến cáo người dân không đi theo con đường bất hợp pháp

Trả lời báo chí liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về quản lý, tổ chức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài khác với các tội phạm đưa người trái phép ra nước ngoài, di cư bất hợp pháp.

Việc tổ chức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở Việt  Nam đang thực hiện theo Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Việt Nam đều ký kết hiệp định về lao động với tất cả các quốc gia trước khi đưa người lao động sang làm việc.

Những lao động đi hợp pháp hiện nay có 5 hình thức: qua các doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép; đi hợp tác giữa các doanh nghiệp, công ty giữa hai nước; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với các tổ chức nước ngoài nhưng đăng ký ở các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; hợp tác liên kết đào tạo được cấp phép; trao đổi công việc, lao động hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và nước ngoài trong thời gian ngắn hạn.

"Hiện Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp được cấp phép để đưa người Việt Nam đi lao động. Ba năm qua, mỗi năm Việt Nam đưa khoảng trên 100 ngàn người; chủ yếu sang bốn địa bàn là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia. Riêng khu vực châu Âu, Việt Nam đã ký hợp tác với hai quốc gia Romania (Rumani) và Đức" - Bộ trưởng Dung cho biết.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tất cả hoạt động đưa người lao động nước ngoài đều đảm bảo sự minh bạch về địa bàn, mức thu phí, mức lương; cấp visa, hộ chiếu, được bảo hộ công dân, được đóng bảo hiểm xã hội...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dung cho rằng có hai hiện tượng đưa người ra nước ngoài lao động trái phép: doanh nghiệp không có chức năng nhưng trá hình đưa người lao động đi nước ngoài; doanh nghiệp không được cấp giấy phép nhưng làm "chui", làm lậu. Thời gian qua, những trường hợp này đã bị xử lý nhiều, đều chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Trong tổng số gần 400 doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi lao động nước ngoài, Bộ trưởng Dung biết, vừa qua đơn vị chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 118 doanh nghiệp.

"Và trực tiếp Bộ trưởng đã ký văn bản thu hồi giấy phép, thậm chí cấm vĩnh viễn hoạt động của doanh nghiệp có vi phạm" - Bộ trưởng Dung cho biết.

Về phía các địa phương, có thực tế nhiều người đi nhưng hết thời hạn trốn ở lại không chịu về, điển hình năm 2016 có 56% người lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc, sau ba năm được vận động giờ còn 26%.

Bộ trưởng Dung đưa ra khuyến cáo với người dân nên đi lao động theo con đường hợp pháp, thông qua các cơ quan được cấp phép.

“Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp thỏa thuận và công khai tên tuổi, danh sách tất cả các đơn vị hợp pháp. Người dân không nên đi theo con đường bất hợp pháp và con đường không được cấp phép”, ông Dung nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục