Nỗ lực làm chủ hạ tầng số

11:09' - 16/02/2021
BNEWS Khát vọng chuyển đổi số tại Việt Nam đặt nhiệm vụ cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông phải làm chủ hạ tầng, không gian mạng và bảo vệ chủ quyền số quốc gia trên chính không gian số.

Vì hạ tầng số là yếu tố nền tảng then chốt trong xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, nên hạ tầng viễn thông phải chuyển dịch thành hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông internet và điện toán đám mây).

Mục tiêu quan trọng trước mắt của Việt Nam là phát triển mạng và thiết bị 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây bằng công nghệ, nền tảng “Make in Viet Nam” để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, toàn diện và đảm bảo an toàn an ninh mạng.
* Phát triển mạng và thiết bị 5G
Trong quá trình chuyển đổi số, hạ tầng số quốc gia phải đi trước một bước để đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh kết nối internvet vạn vật (IoT) và giao tiếp giữa máy móc với máy móc. Bản chất của internet là mở, dựa trên công nghệ mở, giao thức mở. Do đó, để phát triển an toàn, Việt Nam phải làm chủ hạ tầng internet và không gian mạng.
Giữa tháng 1/2021, Việt Nam đã chuyển đổi hoàn toàn địa chỉ internet từ giao thức internet thế hệ 4 (IPv4) sang thế hệ 6 (IPv6).

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, với ưu thế vượt trội về công nghệ và an toàn bảo mật, IPv6 là giao thức mặc định trong mạng 5G và internet kết nối vạn vật (IoT); là tài nguyên số giúp phát triển mạng internet, hạ tầng, dịch vụ số.
Hiện Việt Nam có 34 triệu người sử dụng IPv6, đạt 46%; đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 4 ở châu Á và thứ 10 thế giới về chuyển đổi IPv6.

Cùng với đó, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trên thế giới thử nghiệm thành công 5G - công nghệ có khả năng truyền tải dữ liệu mạnh, nhanh hơn nhiều lần so với 3G-4G.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 3 nhà mạng (Viettel, MobiFone, Vinaphone) thử nghiệm thương mại hoá 5G.

Bộ đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất được nhiều thiết bị viễn thông 5G.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm khẳng định, các sản phẩm thiết kế, chế tạo 5G "Make in Viet Nam" là minh chứng cho sự chủ động, khẳng định năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao 5G.
Theo dự báo của Hãng Cisco, việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp Việt Nam đạt khoảng 6,3 triệu thuê bao 5G vào năm 2025, các nhà mạng tăng doanh thu thêm khoảng 300 triệu USD mỗi năm.

Dự báo này một lần nữa khẳng định, đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn là yếu tố quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam có 2 nội dung chính là phát triển hạ tầng số và phát triển nền tảng số.

Đối với hạ tầng số, cần xây dựng hạ tầng băng rộng, bao gồm cả mạng cáp quang quốc tế, cáp quang biển, phát triển hạ tầng mạng truy nhập 4G, 5G.

Đối với việc phát triển nền tảng số, các tập đoàn công nghệ thông tin mở kết nối internet (platform IoT) để cộng đồng doanh nghiệp phát triển ứng dụng vào các lĩnh vực khác như: giao thông, điện lực hoặc là năng lượng, nước, đô thị thông minh…
Cơ sở viễn thông internet là hạ tầng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của từng cá nhân, doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực. Hiện nay, 3 nhà mạng lớn nhất Vietnam là Viettel, Vinaphone và MobiFone đã dốc sức thử nghiệm và thương mại hóa 5G.

Dự kiến, đến năm 2025, số lượng kết nối 5G tại khu vực châu Á sẽ đứng đầu thế giới, chiếm hơn 50% kết nối 5G toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: 2G chúng ta đi nhanh so với thế giới, 3G đi vào top trung bình, 4G đi chậm, 5G vươn lên đi nhanh. Nếu đi nhanh được 5G thì "đây là thời cơ chúng ta bứt phá, mơ ước về phát triển một nền công nghiệp thông tin được khẳng định”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng.
*Làm chủ điện toán đám mây

Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây và khẳng định đây là công nghệ trụ cột của quá trình chuyển đổi số.

Tháng 12/2020, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố và trao chứng nhận cho 5 doanh nghiệp Việt làm chủ các nền tảng điện toán đám mây.

Đó là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Cổ phần VNG và Công ty Cổ phần VCCorp.

Đây là các nền tảng đáp ứng được Bộ tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử (trong đó có 69/153 chỉ tiêu về an toàn, an ninh thông tin).
Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG Cloud chia sẻ: Khi các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, phần lớn sẽ gặp vấn đề trong việc lựa chọn các dịch vụ đám mây đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về công nghệ hiện đại và tuân thủ an toàn thông tin, Luật An ninh mạng của Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn và trao chứng nhận cho doanh nghiệp Việt Nam chứng tỏ năng lực của các nhà cung cấp đã sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp.

Mặt khác, đây là lời khẳng định việc 5 doanh nghiệp này sẽ là những đơn vị có thể giúp các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng chuyển lên môi trường điện toán đám mây trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số, biểu hiện là sự ra đời của rất nhiều nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, an toàn an ninh mạng, hạ tầng về điện toán đám mây…

Do đó, mọi dữ liệu cần phải được đưa lên đám mây để lưu trữ và đảm bảo kết nối. Tiện ích của đám mây giúp người dùng cá nhân, doanh nghiệp có thể giảm chi phí sử dụng, dễ dàng lấy dữ liệu.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là không thể để dữ liệu của Việt Nam cho các công ty nước ngoài lưu trữ; mặt khác để đảm bảo an toàn thì Việt Nam phải làm chủ điện toán đám mây Việt.
Hiện nay, Viettel có hơn 2.200 máy chủ, đang cung cấp cho hơn 14.500 khách hàng và có khả năng lưu trữ 30.000 T-byte dữ liệu, giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có thể tiết kiệm chi phí khi hoạt động trên môi trường đám mây.

Với hơn 1.000 hệ thống điều hành (server) lưu trữ dữ liệu cho khoảng 800 khách hàng, tổ chức, doanh nghiệp của hệ thống đám mây mà VNPT đang cung cấp, cũng có thể giúp các đơn vị chuyển đổi số nhanh, hiệu quả hơn.
Đến thời điểm này, thị trường điện toán đám mây (cloud) của Việt Nam đạt khoảng 3.200 tỷ đồng (tương đương 133 triệu USD).

Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu điện toán đám mây do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối trong cả nước.

Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm khoảng 20% thị phần các sản phẩm, dịch vụ điện toán đám mây trong nước. 80% thị phần còn lại do các công ty nước ngoài cung cấp.
Theo dự báo, đến năm 2025 thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 30 - 40%.

Đặc biệt, năm 2020 đã thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của thị trường này đã đạt tới 40% và triển vọng phát triển vô cùng rộng lớn.
Điện toán đám mây được coi như là "móng nhà" trong quá trình chuyển đổi số. Cùng với công nghệ 5G, các dịch vụ cung cấp trên nền này sẽ ngày càng hữu ích hơn với người dùng.

Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phát triển nhanh 5G và nỗ lực làm chủ công nghệ này để đảm bảo hạ tầng thiết yếu cho chuyển đổi số của Việt Nam diễn ra nhanh chóng và an toàn./.

>>>Việt Nam tiên phong chuyển đổi số: Bài 1 - Khát vọng chuyển đổi số
>>>Việt Nam tiên phong chuyển đổi số: Bài cuối: "Make in Viet Nam"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục