Việt Nam trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á

14:49' - 09/12/2015
BNEWS Việt Nam nằm trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á. Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần và sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Hàng hóa tại siêu thị Coopmart Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhằm trao đổi, thảo luận chủ đề về con đường phát triển Trung tâm mua sắm tại Việt Nam, những thời cơ, thách thức và tương lai của định dạng bán lẻ quan trọng này với thông tin cập nhật, các phân tích của các chuyên gia từ nhiều góc độ, ngày 9/12, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2015. 

Theo ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), năm 2015 trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, bán lẻ hiện đại đang ngày càng khẳng định vai trò là động lực phát triển của ngành bán lẻ nước nhà.

Đặc biệt, Trung tâm mua sắm – một trong những định dạng bán lẻ rất phổ biến trên thế giới đã và đang trải qua những khó khăn trở ngại để có bước phát triển ban đầu đáng ghi nhớ. 

Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều nhận định lo ngại khả năng sụp đổ của kênh bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại đã được hình thành trước đó một thời gian ngắn do chính sách mở cửa cho các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia.

Tuy nhiên, tổng kết sau hơn 5 năm gia nhập WTO và tiến tới hội nhập sâu với khu vực ASEAN và thế giới với hàng loạt hiệp định FTA vừa ký kết cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không hề thụ động mà đang từng bước thích ứng với bối cảnh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại.

Song hiện nay, các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư mạnh vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước cũng đứng trước nhiều thách thức. Nếu không chủ động phát triển theo xu hướng hiện đại và chuyên nghiệp sẽ dễ mất cơ hội làm chủ trên sân nhà. 

Thừa nhận những hạn chế của những doanh nghiệp trong nước, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, bán lẻ trong nước chưa thể bứt phá phát triển như các tập đoàn nước ngoài do còn thiếu và yếu trong các vấn đề như tính chuyên nghiệp, chiến lược phát triển dài hạn, tiềm lực tài chính và logistics.

Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động trong tình trạng bến bãi phân tán, kém hiệu quả, kho hàng hạn chế khiến lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối chưa thể hiện sự chuyên nghiệp… 

Đưa ra một dẫn chứng về việc 4 doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực phân phối là Satra, Hapro, Saigon Co.op và Tập đoàn Phú Thái đã liên kết với nhau năm 2007 thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) với tổng số vốn là 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, VDA chưa có những hoạt động cụ thể nào để thay đổi thị trường do các doanh nghiệp đều theo đuổi con đường phát triển riêng.

Khách hàng lựa chọn hàng hoá tại Siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Vì thế, để vượt qua thách thức chuyển từ mô hình mua sắm truyền thống sang các trung tâm hiện đại, doanh nghiệp cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm phát triển của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, các hiệp hội đồng nghiệp trên thế giới như Hiệp hội Bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

Không những thế, doanh nghiệp cần tổ chức lại, cắt giảm những dịch vụ không cần thiết để hạ giá bán, đầu tư vào chuỗi cửa hàng, chuỗi siêu thị vừa và nhỏ, nối lại các liên doanh, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới như siêu thị thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, đầu tư về nông thôn… mới có thể mở rộng cơ hội phát triển, giành lại thị phần trên sân nhà. 

Một vấn đề nữa được các diễn giả đề cập nhiều tại Diễn đàn lần này là việc giá trị tiêu dùng cuối cùng trên GDP ở Việt Nam lên tới 70%; trong đó, 90% là tiêu dùng cá nhân. Điều này biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ nằm trong top 5 phát triển nhất khu vực châu Á cũng như thế giới.

Không những thế, nhiều dự báo còn cho rằng đến năm 2020, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần và sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng nhất cho các trung tâm thương mại, nhà bán lẻ. 

Bà Châu Ngọc Hạnh, Trưởng phòng dịch vụ tư vấn nhà bán lẻ Nielsel Việt Nam khẳng định: "Đã hết thời con cá bé nuốt chửng con cá lớn mà chuyển sang giai đoạn con cá nhanh thắng con cá chậm".

Có lẽ điều này giải thích cho việc người tiêu dùng Việt ngày càng thích mua sắm theo mô hình đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại nhà vì sự tiện lợi và kết nối thông qua thế giới số. Vì vậy, đơn vị bán lẻ nào có thể đáp ứng được những yêu cầu này thì sẽ có lợi thế thị trường. 

Theo thống kê của CBRE, Co.op mart hiện là công ty bán lẻ lớn nhất ở Việt Nam và xếp thứ 190 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam năm 2015 thì Co.op Mart lại không phải là đơn vị có doanh thu trên mỗi m2 kinh doanh tốt nhất.

Vị trí dẫn đầu này thuộc về Saigon Jewwelry (hơn 31.500 USD), sau đó là Nguyễn Kim (hơn 13.400 USD) và Mobile World (hơn 12.500 USD). 

Báo cáo này cũng cho thấy thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM hiện biến động ngược chiều.

Nếu mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đang có tỷ lệ trống cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (có lúc lên tới 20%) thì TP HCM lại có tỷ lệ khá thấp, chỉ chưa tới 10%. Điều này cũng ảnh hưởng tới giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình tại hai khu vực này. 

Theo đó, giá thuê tại Hà Nội nằm trong nhóm giảm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi TP HCM lại ở nhóm tăng mạnh nhất trong khu vực. Giá thuê các khu vực trung tâm của TP HCM và Hà Nội hiện rất cao, lên tới hơn 120 USD/m2 mỗi tháng trong quý III/2015, gấp 3 lần so với ở vùng ngoài trung tâm.

Tuy nhiên, trên thế giới, các kênh mua sắm đang bị phân nhỏ do người tiêu dùng chuyển sang các loại hình cửa hàng quy mô nhỏ hơn. 

Tương tự, tại Việt Nam, hiện tại có 22% người Việt thích sử dụng kênh mua sắm là các cửa hàng tiện lợi, thay vì tới các trung tâm mua sắm lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục