Vietnam Airlines thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng

14:20' - 14/07/2021
BNEWS Sáng 14/7, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Đại hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung gồm: kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, báo cáo tài chính năm 2020, phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, phương án kiện toàn Ban Kiểm sát, chủ trương bán 6 tàu ATR-72 để thay thế bằng đội tàu bay phản lực khu vực...

Phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng

Một trong những nội dung đáng chú ý tại đại hội là các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 8.000 tỷ đồng, với tỷ lệ phát hành 56,4%.

Đây là loại cổ phiếu phổ thông, tự do chuyển nhượng. Cổ đông hiện hữu được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân trong nước. Quyền mua cổ phiếu chỉ được chuyển nhượng 1 lần duy nhất trong thời gian quy định. Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ.

Theo ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, các thủ tục phát hành dự kiến sẽ hoàn tất vào 6 tháng cuối năm 2021. Với tiến độ này, sớm nhất trong quý III, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ về, kịp thời bổ sung vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, tránh thâm hụt vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp cũng như tránh tình trạng doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn.

Vietnam Airlines cũng đang ưu tiên hoàn thành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Vào ngày 7/7 vừa qua, Tổng công ty đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trước khi chính thức giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng được dùng để thanh toán một phần nợ quá hạn, nợ đến hạn cũng như nợ vay ngắn hạn, dài hạn đến hạn. Để nâng cao hiệu quả ngân gói vay này, Vietnam Airlines sẽ gắn việc thanh toán nợ với quá trình đàm phán giãn, hoãn thanh toán với các tổ chức tín dụng, nhà cung ứng nhằm tối đa hóa lợi ích, dòng tiền.

Nguyên tắc chung của Vietnam Airlines trong việc sử dụng 12.000 tỷ đồng từ gói vay tái cấp vốn và phát hành thêm cổ phiếu là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; cam kết không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng sẽ giải quyết cơ bản phần thâm hụt phát sinh trong năm 2020 nhưng sẽ không giải quyết được triệt để khó khăn về dòng tiền, các khoản lỗ trong năm 2021 do ảnh hưởng quá lớn của dịch bệnh đối với lĩnh vực hàng không”, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết thêm.

Về phía Vietnam Airlines tiếp tục kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành xem xét những phương án hỗ trợ tiếp theo như: giảm chi phí cất hạ cánh, các chi phi thuế… nhằm tiếp sức cho ngành hàng không vượt qua khủng hoảng và tạo đà phục hồi trong các năm sau để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng

Năm 2021, trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines đã xây dưng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, để đạt được mục tiêu này, Vietnam Airlines sẽ tập trung duy trì an toàn khai thác bay song song với phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tái cơ cấu toàn diện và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.

Cụ thể, Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện giải pháp tăng thu và cắt giảm, tối ưu hóa chi phí, đặc biệt tái cơ cấu đội tàu bay, chi phí thuê tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức các khối theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động; đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ vững 4 sao và tiến đến 5 sao.

Tổng công ty cũng chủ động tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, cắt giảm và tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh. Dự kiến, tổng chi phí cắt giảm, tiết kiệm bằng các giải pháp trên năm 2021 đạt được trên 6.800 tỷ đồng.

Đại diện Vietnam Airlines cho hay, hãng cũng đang xem xét lại các danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; trong đó, có thể thoái vốn ở một số danh mục đầu tư để có thêm nguồn lực tài chính bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Ngoài ra, năm 2021, Vietnam Airlines lên kế hoạch bán 6 tàu bay ATR-72 cũ để thay thế bằng các tàu bay phản lực nhằm tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên.

Về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn, Vietnam Airlines ghi nhận tổng lượng khách vận chuyển đạt 14,13 triệu lượt và hàng hóa đạt 195,3 nghìn tấn, xấp xỉ kế hoạch đề ra. Vietnam Airlines duy trì chỉ số đúng giờ (OTP) ở mức cao 90%.

Doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của Vietnam Airlines diễn biến khả quan hơn so với dự báo trước đó. Cụ thể, doanh thu hợp nhất và công ty mẹ lần lượt là 42.276 tỷ đồng và 33.266 tỷ đồng, tương ứng vượt 4,2% và 2,2% so với kế hoạch. Mức lỗ hợp nhất và công ty mẹ đều thấp hơn so với mục tiêu ban đầu, lần lượt bằng 72,2% và 60,4% kế hoạch đặt ra.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Trong điều kiện sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Vietnam Airlines đã tận dụng mọi cơ hội có thể để gia tăng doanh thu với trọng điểm tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng chuyến chở công dân về nước, chở khách chuyên gia.

Có thời điểm, Vietnam Airlines đã đồng loạt mở thêm hơn 20 đường bay nội địa dựa trên nguồn lực sẵn có và thị trường nội địa hồi phục nhanh. Những nỗ lực của Vietnam Airlines cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành và đơn vị hữu quan đã giúp Vietnam Airlines giảm lỗ gần 5.800 tỷ đồng”.

Về phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá cao những giải pháp của Vietnam Airlines trong thời gian qua nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thiệt hại cũng như tìm kiếm và tận dụng những cơ hội để gia tăng doanh thu, vượt qua đại dịch.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành đưa ra những định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo đà phục hồi sau đại dịch.

Trước những tín hiệu tích cực về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, trên thị trường, cổ phiếu HVN ghi nhận sắc xanh trong phiên giao dịch sách 14/7 với thị giá 25.700 đồng/cổ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục