VIMC phát hành thêm 100 nghìn cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

21:17' - 12/04/2022
BNEWS Tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), tại kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 sắp diễn ra, VIMC sẽ đề xuất thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ.
 VIMC dự kiến phát hành thêm 100.000 cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng.

 
Lãnh đạo VIMC cho biết, tại Chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư, dự kiến, VIMC thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải với tổng mức đầu tư đến năm 2030 là 25.000 tỷ đồng.
 
 
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến giá trị thực hiện khoảng 2.200 tỷ đồng, đến năm 2030 dự kiến khoảng 10.700 tỷ đồng.
 

Mặt khác, tại phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn điều lệ của VIMC là 14.046 tỷ đồng; trong đó, tỷ lệ sở hữu nhà nước là 65% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, do việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được và tỷ lệ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng thấp nên vốn điều lệ hiện tại của VIMC là hơn 12.005 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VIMC là gần 99,5% vốn điều lệ.

 
Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC giai đoạn này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của doanh nghiệp.
 
Thông tin cụ thể về kế hoạch chào bán cổ phần, theo VIMC, hiện có 3 hình thức gồm chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu ra công chúng và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
 
Tuy nhiên, đối với hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, cổ đông nhà nước khó được chấp thuận tiếp tục mua thêm do tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VIMC đang vượt quá tỷ lệ nắm giữ của nhà nước theo quy định.
 
Với hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đáp ứng được điều kiện "Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán". Đến 31/12/2021, VIMC vẫn có lỗ lũy kế là 886 tỷ đồng.
 
Nếu thực hiện phát hành trong năm 2022, VIMC không đáp ứng được điều kiện "không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán".
 
Do đó, hình thức chào bán khả thi nhất thời điểm hiện tại đối với VIMC là chào bán cổ phần riêng lẻ.
 
Dự kiến, VIMC sẽ chào bán số lượng 100.000.000 cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, đáp ứng kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng.
 
Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của VIMC là 13.886 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 11.100 tỷ đồng, nợ phải trả là 2.767 tỷ đồng. Tài sản của VIMC chủ yếu tập trung ở tài sản cố định (đội tàu) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
 
Trước đó, doanh nghiệp này đã có một năm 2021 thắng lợi khi lĩnh vực khai thác cảng biển có lợi nhuận trước thuế gần 2.600 tỷ đồng (chiếm 71% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC).
 
Khối vận tải biển sau nhiều năm thua lỗ cũng vượt lên đạt lợi nhuận 869 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2020.
 
Khối dịch vụ hàng hải đạt doanh thu hơn 2.600 tỷ đồng với lợi nhuận hơn 57 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với kế hoạch.
 
Trên đà phát triển, năm 2022, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất hơn 12.500 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 2.518 tỷ đồng./.
 
Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục