Vinamilk đặt kỳ vọng thị trường Philippines

15:46' - 05/09/2021
BNEWS Thị trường nội địa khó khăn, Vinamilk đã đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thực hiện liên doanh để chiếm lĩnh thị phần nước ngoài; trong đó, thị trường Philippines được kỳ vọng lớn.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) đã và đang đối diện với khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển tăng cao, tình trạng thiếu container, các hạn chế về nguồn cung... ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vinamilk đã linh hoạt thay đổi để thích ứng như đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đàm phán các hợp đồng mua nguyên vật liệu với nhà cung cấp và chốt giá một số nguyên liệu sản xuất chính đến hết năm 2021, đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt việc liên doanh để chiếm lĩnh thị phần nước ngoài; trong đó, thị trường Philippines được công ty kỳ vọng lớn.

*Thị trường trong nước gặp khó vì COVID-19

Thực tế, dịch COVID-19 khiến giá nguyên vật liệu biến động mạnh. CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, nửa đầu năm 2021, giá vốn nguyên liệu giá bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa gầy (SMP) nhập khẩu cao hơn lần lượt 36% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái, làm tăng chi phí nguyên liệu sử dụng trong 6 tháng đầu năm nay.

Nguyên nhân là do xu hướng mua gom các hàng hóa nông nghiệp với số lượng lớn của Trung Quốc; chi phí container tăng; các hạn chế về nguồn cung do thời tiết xấu và chi phí thức ăn cho bò sữa tăng cao.

Do những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, sức mua sụt giảm bên cạnh giá nguyên vật liệu tăng cao nên nửa đầu năm 2021,Vinamik có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, công ty có doanh thu thuần là 28.906 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.359 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, nửa đầu năm 2021, Vinamik hoàn thành lần lượt 47% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Riêng trong quý II/2020, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 15.716 tỷ đồng và 2.862 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

So với quý I/2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng lần lượt 19% và 10%. Các nhà phân tích cho rằng, điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi của doanh nghiệp so với đầu năm 2021.

Theo Ban lãnh đạo Vinamilk, doanh thu trong nước tại công ty mẹ (không bao gồm doanh thu từ Mộc Châu Milk và các công ty con khác) tăng 6% với cùng kỳ trong tháng 7/2021. Điều này có được một phần là do nhu cầu tích trữ của người tiêu dùng trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội đang được áp dụng.

Dù vậy, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), doanh thu trong nước sẽ khó có thể duy trì mức tăng trưởng như tháng 7/2021 trong những tháng tới, do ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội tới thu nhập của người dân.

*Cơ hội mới từ thị trường Philippines

Vinamilk đã công bố liên doanh với Tập đoàn Del Monte Philippines (DMPI) - công ty con của Del Minte Pacific Limidted, là doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống hàng đầu hoạt động tại Philippines.

Với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD, liên doanh sẽ nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Vinamilk, sau đó tiếp thị và phân phối tại Philippines thông qua các kênh hàng của DMPI.

Các sản phẩm của liên doanh sẽ sử dụng thương hiệu chung của Del Monte Vinamilk. DPMI có lịch sử 95 năm hoạt động tại Philippines, nổi tiếng với các sản phẩm sữa và trái cây hỗn hợp đóng gói, nước trái cây pha sẵn và nước sốt cà chua.

Del Monte được xếp hạng là thương hiệu trong nước số một tại Philippines và có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước. DPMI có mối quan hệ lâu dài và bền chặt với các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống hàng đầu. Sản phẩm của hãng có mặt tại hơn 100.000 điểm bán lẻ ở Philippines

Trong nhiều năm, Vinamilk là nhà sản xuất gia công (OEM) cho một số công ty sữa ở Philippines. Trong năm 2020, doanh thu xuất khẩu hàng gia công sang Philippines đạt 7 triệu USD, tương đương 3% doanh thu xuất khẩu của Vinamilk. HSC cho rằng, liên doanh với DMPI không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng gia công sang Philippines của Vinamilk.

Không những vậy, liên doanh với DMPI sẽ mang lại cho Vinamilk một nguồn thu nhập mới. Vinamilk kỳ vọng liên doanh sẽ đem lại doanh thu 8,8 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ đồng trong 12 tháng hoạt động đầu tiên, từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022 và dự kiến tốc độ tăng trưởng gộp bình quân là 50% trong trung hạn.

Theo đó, liên doanh sẽ đóng góp 0,4% vào tăng trưởng doanh thu thuần của Vinamilk trong năm đầu hoạt động và 0,5% trong năm tiếp theo.

Đây là thông tin tích cực đối với Vinamilk. Việc liên doanh với các doanh nghiệp lớn hàng đầu đang tạo ra kỳ vọng tăng trưởng nhờ sức mạnh cộng hưởng. Cụ thể, đó là mở rộng thị trường và ngành hàng kinh doanh. Doanh nghiệp cũng tập trung phát triển các kênh hiện đại (kênh online) và tận dung năng lực bán hàng của đối tác, nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Thực tế, Vinamilk đang khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk đạt 2.771 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 9,6% tổng doanh thu thuần của công ty.

Theo Vinamilk, mức tăng chủ yếu đến từ thị trường Trung Đông, chiếm tỷ trọng 70-80% doanh thu xuất khẩu và các đơn hàng mới từ Mỹ, châu Âu cho thấy dấu hiệu phục hồi về nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.

Kết quả kinh doanh của các công ty con ở nước ngoài cũng dần phục hồi. Theo đó, Driftwood- công ty con của Vinamilk có trụ sở chính tại bang Califonia, Hoa Kỳ có mức tăng trưởng hai chữ số trong quý II/2021, sau mức giảm sâu 20% trong quý I/2021, nhờ tác động tích cực của vaccine khiến các trường học tại Mỹ dần mở cửa trở lại sau hơn một năm đóng cửa do COVID-19.

Tiếp đến, Angkormilk - công ty con của Vinamilk tại Campuchia cũng tăng trưởng xấp xỉ 3% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận thấy biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và dịch bệnh có những diễn biến khó lường, Vinamilk đã đàm phán các hợp đồng mua nguyên vật liệu với nhà cung cấp và chốt giá một số nguyên liệu sản xuất chính đến hết năm 2021. Qua đó, đảm bảo nguồn cung nhằm ổn định chi phí sản xuất.

Do giá nguyên vật liệu sẽ vẫn duy trì ở mức cao nên nhằm bù đắp chi phí sản xuất, Vinamilk đã tăng giá bán từ tháng 5/2021. Bên cạnh đó, Vinamilk đưa công nghệ tiên tiến vào để tăng hiệu quả sản xuất.

Dù doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp, linh hoạt thích ứng khó khăn, cùng đó, thị trường xuất khẩu cũng hồi phục tích cực, nhưng không thể phủ nhận, thị trường nội địa - nơi chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Có lẽ vì vậy mà trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM cũng sụt giảm khá mạnh. Chốt phiên ngày 1/9, VNM có giá 88.100 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 19,3% so với phiên giao dịch đầu năm 4/1./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục