Vĩnh Long hỗ trợ 320 tỷ đồng cho người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh

11:31' - 23/02/2023
BNEWS Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thông qua đề án nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đại dịch COVID-19, người mất việc làm phải chuyển đổi nghề có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

 

Đề án đặt mục tiêu góp phần giải quyết cho 8.000 cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn được tiếp cận với nguồn vốn vay để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Qua đó, góp phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 3%, duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm và lao động thất nghiệp trên địa bàn.

Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Đối tượng vay là cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đại dịch COVID-19 có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ, dịch vụ, du lịch, làng nghề truyền thống, đồ dùng, tạp hóa, trang thiết bị, dịch vụ vận chuyển, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác nuôi nuôi trồng thủy sản…

Dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện đề án là 320 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách của tỉnh là 80 tỷ đồng và vốn Trung ương là 240 tỷ đồng. Mức vay tối đa không quá 110 triệu đồng/lao động, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ.

 Đề án quy định thực hiện cho vay theo phương thức vay trực tiếp, có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định hiện hành của Ngân hàng chính sách xã hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các ngành liên quan lập dự toán và quản lý nguồn vốn bổ sung hằng năm để cho vay theo đề án; nghiên cứu các chính sách và chương trình, giải pháp liên quan đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động để lồng ghép thực hiện đề án.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có trách nhiệm tuyên truyền cho hội viên về các chính sách, hoạt động của đề án, hướng dẫn hội viên xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, đồng thời, chỉ đạo các cấp hội thực hiện ủy thác kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ, nắm tình hình và vận động các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Cùng với đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long có trách nhiệm tham mưu báo cáo Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bố trí nguồn vốn đối ứng với nguồn vốn địa phương hàng năm đảm bảo đủ thực hiện đề án.

Ngân hàng chủ trì phối hợp với các đoàn thể nhận ủy thác thực hiện cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng, thu hồi nợ và xử lý rủi ro theo đúng quy định, đảm bảo phát huy được hiệu quả nguồn vốn, giúp người dân tái sản xuất sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã kịp thời ban hành Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 với nguồn kinh phí do địa phương cấp là 30 tỷ đồng, trung ương là 30 tỷ đồng.

Thực hiện đề án, đến nay, ngành chức năng đã giải ngân cho hơn 1.000 lao động vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động sau đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục