Vitol: Nhu cầu xăng của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2025

15:35' - 10/09/2024
BNEWS Việc Trung Quốc dần chuyển đổi sang sử dụng xe điện sẽ khiến nhu cầu xăng trong nước có khả năng đạt đỉnh vào năm nay hoặc năm sau.
Theo dự báo của Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn Vitol - nhà giao dịch dầu mỏ độc lập lớn nhất thế giới, nhu cầu xăng của Trung Quốc có khả năng đạt đỉnh vào năm nay hoặc năm sau khi nước này dần chuyển đổi sang sử dụng xe điện. 

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 10/9, CEO Russell Hardy cho biết nhu cầu xăng của Trung Quốc sẽ sớm đạt đỉnh, không phải bởi lưu lượng giao thông sụt giảm mà bởi xu hướng chuyển đổi sang xe điện thay vì các loại xe sử dụng năng lượng truyền thống.

 
Đầu năm nay, tập đoàn Vitol đã lùi dự báo nhu cầu dầu toàn cầu đạt đỉnh sang sau năm 2030. Tại thời điểm đó, ông Hardy cho biết tốc độ chuyển đổi năng lượng chậm hơn sẽ đẩy nhu cầu dầu đạt đỉnh vượt qua mốc thời gian năm 2030.

Tuy nhiên, Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ. Cường quốc tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới đang chứng kiến nhu cầu xăng và dầu diesel giảm dần do “làn sóng” điện khí hóa giao thông và sự phổ biến ngày càng tăng của khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dùng làm nhiên liệu cho xe tải.

Một nghiên cứu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) phát hành đầu năm nay đã ước tính rằng nhu cầu về các sản phẩm xăng, dầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2025. Dự báo này dựa trên kỳ vọng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tiếp tục tăng tốc, làm giảm tăng trưởng của nhu cầu về sản phẩm dầu mỏ.

Trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Trung Quốc năm 2060, ấn bản năm 2024, Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc, còn được gọi là Sinopec, dự báo nhu cầu dầu của cường quốc châu Á sẽ đạt đỉnh trước năm 2027 và lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó giữa năm 2026 đến năm 2030, tùy thuộc theo tốc độ áp dụng xe điện nhanh hay chậm.

Trên thực tế, nhu cầu nhiên liệu đường bộ của Trung Quốc trong năm nay yếu hơn dự kiến, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ dầu diesel. Điều này diễn ra khi cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc vẫn tiếp tục và có sự thay đổi cơ cấu giao thông đường bộ, thể hiện qua việc hàng loạt xe tải chuyển sang chạy bằng LNG thay vì sử dụng dầu diesel, làm chậm tăng trưởng nhu cầu dầu tổng thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục