Vỡ đập thủy điện tại Lào: Giới chức tỉnh Attapeu thông tin thêm về sự cố

07:26' - 26/07/2018
BNEWS Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu cho biết vụ vỡ đập thủy điện đã làm 13 bản của huyện Sanamxay bị ngập chìm trong nước, trong đó có 6 bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 919 hộ và 3.780 dân.
Người dân được bố trí sống tạm tại điểm sơ tán an toàn ở thị trấn Paksong, tỉnh Champasak sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi thuộc tỉnh Attapeu ngày 25/7. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tối 25/7, trả lời nhóm phóng viên TTXVN có mặt tại huyện Sanamxay - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vụ vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, ông Ounla Sayyasith, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu cho biết vụ vỡ đập thủy điện đã làm 13 bản của huyện Sanamxay bị ngập chìm trong nước, trong đó có 6 bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 919 hộ và 3.780 dân.

Đến thời điểm hiện nay, đã xác định được 131 người mất tích, trong đó chỉ mới tìm thấy 1 thi thể.

Đối với công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng, Chủ tịch huyện Sanamxay, ông Bunhom Phommasan, cho biết hiện hơn 5.880 người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã được huyện bố trí sinh sống tại các trường, trụ sở hành chính khu trung tâm huyện.

Các nhu yếu phẩm, nước uống đã được các đơn vị cứu trợ, doanh nghiệp vận chuyển vào tận trung tâm huyện, đảm bảo đủ cho toàn bộ nhân dân đang sơ tán tại đây sử dụng.

Đặc biệt, huyện cũng đã bố trí cán bộ y tế túc trực tại các điểm bố trí người dân sinh sống để thăm, khám cho nhân dân.

Theo ông Phommasan, hiện lực lượng chức năng đang tập trung ổn định cuộc sống cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Những điểm làng bị ngập lụt hiện chưa thể trở về nên việc người dân phải sống tạm tại khu trung tâm huyện trong thời gian tới sẽ kéo dài.

Vì vậy, chính quyền đang tập trung huy động mọi nguồn lực, kêu gọi sự viện trợ từ nhiều nơi để cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân đến khi trở về bản.

Ghi nhận tại khu vực trung tâm huyện Sanamxay, hàng nghìn người dân chen chúc trong các phòng học, khu trung tâm hành chính huyện.

Tại các điểm trường Tiểu học Mamnon, Trung học phổ thông Sanamxay, trường Tiểu học Mithsamphan, người dân sử dụng những bàn học ghép lại chỗ nghỉ.

Xung quanh các điểm này, những “bếp ăn dã chiến” được người dân lập nên để phục vụ cho việc ăn uống.

Tuy nhiên, hầu hết trong điều kiện các vật dụng sinh hoạt đã bị cơn lũ nhấn chìm, thực phẩm chủ yếu là hàng cứu trợ như mì tôm, bánh kẹo…

Đến thời điểm hiện tại, chính quyền tỉnh Attapeu, huyện Sanamxay đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau sự cố.

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, Chủ tịch huyện Sanamxay cùng chính quyền huyện đang túc trực 24/24 tại trung tâm huyện, cùng ăn, ngủ với dân để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục