Vốn FDI vào Hà Nội tăng 2,18 lần

17:33' - 25/12/2018
BNEWS Năm 2018, Hà Nội thu hút FDI đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.
AEON xây trung tâm thứ 2 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Chiều 25/12, tại Giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư.

Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, cũng trong năm 2018, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 616 dự án với số vốn đăng ký mới 5,03 tỷ USD.

Một số dự án điển hình, tăng vốn trong kỳ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư gồm: Nhà đầu tư Beerco thực hiện góp vốn trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Beverage Việt Nam với số tiền 1 tỷ USD; Dự án Khu đô thị thành phố thông minh với số vốn 4.138 triệu USD; hai dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với số vốn 400 triệu USD; Dự án Lotte Mall Hà Nội tăng vốn 300 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất bia của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà máy bia Heineken Hà Nội tăng vốn 43 triệu USD...

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam, những thành tích nổi bật nêu trên là kết quả của việc thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Thành phố đã tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, trong năm 2018, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, phối hợp để xây dựng kế hoạch thanh tra tránh chồng chéo, trùng lặp, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Trong năm 2018, thành phố đã thông qua phương án đơn giản hóa đối với 61 thủ tục hành chính thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước, đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều thủ tục.

Tỷ lệ đơn giản hóa đạt trên 23,3% (dự kiến chi phí tiết giảm cho tổ chức, cá nhân khoảng 43 tỷ đồng/năm). Thành phố duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đảm bảo thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 3 ngày.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, những khó khăn của Hà Nội trong công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Giá cho thuê đất cao so với các địa phương lân cận, vấn đề về mặt bằng sản xuất kinh doanh...

Do vậy, thành phố đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất rút ngắn còn 12 ngày, thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày, lĩnh vực đo đạc bản đồ giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày, qua đó góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Hiện lũy kế kể từ khi thu hút vốn đầu tư vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nay, Hà Nội đã thu hút trên 36,55 tỷ USD.

Các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn (80%) còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh (khoảng 20%). Lĩnh vực thu hút lớn nhất là bất động sản chiếm 31%, tiếp theo là công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 28%, thông tin truyền thông chiếm 8,7%.

Tại Hà Nội, Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,6 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6,9 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,5 tỷ USD.

Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất hiện là hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 34,8%), tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo (24,4%), thông tin và truyền thông (8,72%), xây dựng 6,29%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục