Vốn vay nước ngoài chủ yếu được sử dụng vào việc cấp phát

15:24' - 08/01/2016
BNEWS Nguồn vốn vay nước ngoài được sử dụng chủ yếu vào việc cấp phát nên nhiều địa phương xem đây là nguồn trợ cấp, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao.

Tại hội thảo “Cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh”, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/1, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã nhận định như vậy.

Cầu Nhật Tân - một trong số các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo ông Trương Hùng Long, thời gian qua, việc huy động nguồn vốn vay nước ngoài để cho vay lại và cấp phát ngân sách Nhà nước rất là lớn. Cụ thể, trong 10 năm gần đây, mỗi năm tổng cho vay lại có 1/3 về địa phương và 2/3 Trung ương với khoảng 15 tỷ USD cấp cho chính quyền địa phương. Theo đó, có trên 92% cấp phát và khoảng 7% cho vay lại các địa phương. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh nợ công ngày càng cao và đang dần chạm tới ngưỡng an toàn, việc tiếp tục cấp phát bằng nguồn vốn vay nước ngoài từ ngân sách Trung ương cho các địa phương cũng cần xem xét, chỉ ưu tiên dành cho các địa phương khó khăn nhất.

Dự kiến trong giai đoạn 2017 - 2018, Việt Nam có thể sẽ chuyển hoàn toàn sang vốn vay kém ưu đãi hơn, nên cần có sự chuẩn bị tích cực cho sự chuyển đổi này để đảm bảo phân bổ và sử dụng nguồn vốn hiệu quả cho đầu tư. 

Trước tình hình này, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; trong đó có giao Bộ Tài chính nghiên cứu đẩy mạnh cơ chế cho vay lại.

Chỉ thị này được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo công bằng ngân sách Trung ương và địa phương đối với cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, hướng đến minh bạch cơ chế sử dụng vốn vay của Trung ương và địa phương trên cơ sở đảm bảo khả năng chi trả trong tương lai có tính bền vững hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục