Chưa bình đẳng trong cấp phát ODA cho các địa phương

17:10' - 10/12/2015
BNEWS Bộ Tài chính cho biết, trong 10 năm qua, 35% tổng vốn ODA vay ưu đãi ký kết là dành cho địa phương (15,5 tỷ USD)
Hiện đang có sự thiếu bình đẳng trong cấp phát ODA cho các địa phương. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS

Ngày 10/12, tại Hội thảo "Cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ”, ô ng Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, trong 10 năm qua, 35% tổng vốn ODA vay ưu đãi ký kết là dành cho địa phương (15,5 tỷ USD), trong số đó cấp phát vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo 92,15%, số còn lại là vay lại.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, hiện đang có s ự thiếu bình đẳng trong cấp phát ODA khi địa phương lớn thì có dự án và được trợ cấp lớn trong khi địa phương nhỏ thì chỉ được cấp nguồn vốn nhỏ tập trung vào một số dự án vay lại (nước nông thôn, điện nông thôn) . Một số địa phương như Vĩnh Long, Bạc Liệu thì thậm chí hoàn toàn không có dự án được trợ cấp vốn ODA . Bà Thảo cho rằng đây là vấn đề phải kiểm soát lại khi từ năm 2017, các khoản ODA sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt.

Cùng với đó, bà Thảo cho rằng, các địa phương còn chưa ý thức được đây là khoản vay mà coi là nguồn cho không nên có tình trạng, các tỉnh đăng ký vốn càng nhiều càng tốt. Trong khi ấy, có tới 90% dự án phải gia hạn ít nhất một lần; trong đó có những dự án tại các địa phương phải mất tới 10-12 năm mới hoàn thành khiến hiệu quả đầu tư của các nguồn vốn vay là chưa cao trong khi cam kết trả nợ thì vẫn phải thực hiện đúng hạn.

Để có quản lý vốn vay thời gian tớ i, theo lãnh đạo Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, sẽ tăng cường cho vay lại với trách nhiệm trả nợ chuyển dần từ Trung ương sang địa phương , đẩy mạnh cho vay lại thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.

B à Nguyễn Xuân Thảo cũng cho biết thêm việc cải cách sẽ có lộ trình và không chuyển hẳn sang 100% cho vay lại để tránh sốc cho các địa phương. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ vừa làm vừa đánh giá tác động tới Trung ương cũng như địa phương để hoàn thiện cơ chế này .

Cùng quan điểm trên, ông Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng , kỳ hạn trả nợ của các địa phương nên sớm hơn 1 bước so với cam kết của Chính phủ với nước ngoài nhằm giúp Chính phủ có điều kiện xử lý và trả nợ đúng hạn.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng trước khi cho vay lại vốn nước ngoài phải xác định thật cẩn thận tính cấp thiết của dự án, mức vốn, nhu cầu và khả năng trả nợ của địa phương để đảm bảo nguồn vốn thật hiệu quả

Bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra cơ quan chức năng cần có cơ sở pháp lý thật rõ ràng cho quá trình cho vay lại vốn nước ngoài. Điều này giúp WB với tư cách là nhà tài trợ có thể lên kế hoạch trung hạn cho phía Việt Nam.

Theo bà, cơ chế cho vay lại cần đảm bảo có bộ tiêu chí phân bổ, tỷ lệ giữa cấp phát và cho vay lại minh bạch và có tính dự đoán cao cho cả một thời kỳ. Việt Nam có thể sử dụng tiêu chí năng lực tài khóa địa phương để phân chia tỷ lệ giữa cấp phát và cho vay lại.

Về điều kiện vay, bà Vũ Hoàng Quyên cho rằng, nên giữ điều kiện cho vay gốc để giảm bớt chi phí cho các tỉnh. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục