VPI "bắt tay" FECON phát triển các dự án hạ tầng năng lượng Việt Nam

18:00' - 02/10/2020
BNEWS Ngày 2/10, tại Hà Nội, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Công ty Cổ phần FECON (Mã chứng khoán: FCN) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, nghiên cứu phát triển các dự án hạ tầng năng lượng tại Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI và ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch FECON đại diện hai bên ký kết biên bản ghi nhớ này.
Theo Biên bản ghi nhớ được ký kết, VPI và FECON sẽ tăng cường chia sẻ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về số liệu địa chất, địa kỹ thuật một số vùng trọng điểm dọc theo bờ biển Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch, thiết kế và thi công các công trình gần và xa bờ.
Hai bên cũng hợp tác trong khảo sát địa kỹ thuật, thủy - hải văn; thiết kế nền móng và kết cấu các công trình gần và xa bờ biển Việt Nam. Hai đơn vị có kế hoạch cùng nhau nghiên cứu và bảo trợ cho doanh nghiệp tự nguyện liên kết với VPI và FECON trong lĩnh vực địa kỹ thuật công trình.
Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức cho biết, việc hợp tác với FECON nằm trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); trong đó VPI với vai trò hạt nhân sẽ liên kết với các tổ chức, cá nhân trên thế giới để nghiên cứu phát triển, cung cấp các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh cho các đơn vị trong ngành dầu khí.
Trước mắt, VPI cùng FECON ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế và thi công các công trình năng lượng tái tạo và dầu khí gần và xa bờ (đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi); đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ liên quan đến lĩnh vực địa kỹ thuật công trình ngoài khơi.
Theo Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa, trong chiến lược phát triển, FECON tập trung phát triển đồng thời mảng xây lắp (nền móng, công trình ngầm, cơ sở hạ tầng, xây dựng công nghiệp) và đầu tư (giao thông, khu công nghiệp, đô thị, năng lượng tái tạo).
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, FECON đang khảo sát triển khai một số dự án điện gió ven bờ đến độ sâu tối đa là 13m. Vì vậy, việc hợp tác với VPI và các đơn vị khác trong ngành dầu khí (như Vietsovpetro, PTSC) sẽ giúp FECON triển khai các dự án ngoài khơi ở khu vực nước sâu hơn, hiện thực hóa chiến lược phát triển của FECON trong thời gian tới.
Được thành lập năm 1978, VPI là đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ của PVN, được trang bị cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đồng bộ, hiện đại, có đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trình độ cao. Các kết quả nghiên cứu của VPI là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định của PVN và tư vấn cho Nhà nước trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, an toàn môi trường và kinh tế quản lý dầu khí.
VPI đặt mục tiêu trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, nơi hội tụ trí tuệ thế giới để tạo giá trị khoa học công nghệ cho ngành dầu khí Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, VPI đặt mục tiêu triển khai thành công tối thiểu 4 chương trình nghiên cứu dài hạn để tạo ra các sản phẩm và giải pháp khoa học công nghệ, đón đầu các xu hướng chính trên thế giới; thử nghiệm áp dụng tối thiểu 5 công nghệ mới trên thế giới, có tính đột phá cho các đơn vị trong ngành dầu khí Việt Nam; thương mại hóa tối thiểu 3 sản phẩm khoa học công nghệ từ các nghiên cứu của VPI và các đơn vị liên kết.
FECON được thành lập năm 2004, là doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong 2 mảng xây lắp và đầu tư.
Với quan điểm phát triển bền vững và năng lực xuất sắc về kỹ thuật nền, móng, công trình ngầm cũng như kết cấu công trình, FECON đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tập đoàn xây dựng và phát triển hạ tầng hàng đầu Việt Nam với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 10.000 tỷ đồng và 825 tỷ đồng.
Về các dự án hạ tầng năng lượng tái tạo, FECON đang triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió quy mô lớn như: Cụm trang trại điện gió B&T tại Quảng Bình (gồm Trang trại điện gió BT1 công suất 109,2 MW và Trang trại điện gió BT2 công suất 100,8 MW); Nhà máy điện gió Thái Hòa công suất 90 MW tại Bình Thuận; Nhà máy Điện gió Trà Vinh V1.3 (48 MW) tại Trà Vinh; Dự án điện gió Lạc Hòa (30 MW), Dự án điện gió Hòa Đông (30 MW); Nhà máy điện gió Quốc Vinh tổng công suất 129 MW (công suất giai đoạn 1 dự kiến 30 MW) tại Sóc Trăng… Ngoài những dự án trên bờ và gần bờ, hiện nay FECON cũng đang chuẩn bị đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi xa bờ.
FECON là đơn vị độc quyền sử dụng sáng chế của CTE (Pháp) “phương pháp xây dựng móng trụ đỡ turbine gió của máy phát điện bằng sức gió ở vị trí nước nông gần bờ” trên lãnh thổ Việt Nam. Công nghệ mới này giúp tiết kiệm từ 30 - 50% chi phí so với các phương pháp đang triển khai tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục